Ô môi, sắc hoa Nam Bộ
Cập nhật: 23/10/2007
Trái ô môi là đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, vào khoảng tháng hai đến tháng ba âm lịch, hoa ô môi nở rộ, những cánh hoa tươi thắm, sắc hồng rực rỡ mầu cờ, nghiêng nghiêng đong đưa theo làn gió, nổi bật một góc trời nông thôn Nam Bộ, gợi nhớ hoa đào phương bắc.
Cây ô môi mọc hoang, không ngay hàng thẳng lối, rải rác khắp đồng, bãi, bờ kinh, bờ mương. Sau này, được nhân giống gieo trồng có kỹ thuật hai bên lộ thẳng tắp ở các tỉnh phương nam, nhiều nhất ở hai tỉnh An Giang và Ðồng Tháp.
Nhiều người nói đất phương nam là xứ sở của ô môi, thật quả không sai... Từ lâu đời, nhân dân sống hai bên bờ kinh rạch vùng sông nước Nam Bộ đã trồng ô môi để lấy trái, làm thuốc, ngâm rượu bồi dưỡng cơ thể, hoặc lấy thân cây làm gỗ, làm củi đun bếp, củi ô môi rất đượm, có nhiều than, cháy lâu, nhiệt lượng cao.
Biết bao văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ đã dùng hình ảnh hoa ô môi làm đề tài sáng tác nhạc: vọng cổ, thi ca và nhiều tác phẩm văn học, nhằm ca ngợi nét đẹp của các thôn nữ chân quê mộc mạc nhưng bền lòng, chặt dạ. Sự so sánh này rất hiện thực, vì ô môi không đài các kiêu sa như các thôn nữ thành thị nhưng thể hiện nét đẹp thủy chung.
Ô môi có thân cao từ 10 - 15 mét, vỏ cây sần sùi, cành non có lông mầu rỉ sắt, cành già mầu nâu đen. Lá kép lông chim, gồm hàng chục đôi lá kép có phủ lông mịn. Hoa mầu hồng tươi mọc thành chùm ở những kẽ lá đã rụng. Chùm hoa thõng xuống chừng ba mươi phân. Trái ô môi dáng hình trụ, cong như lưỡi liềm dài tới nửa mét, cũng có đan xen vài trái thẳng. Trái ô môi có hơn 50 ô, mỗi ô chứa một hột dẹp, xếp chuỗi dài đều đặn theo trái, trắng ngần như hột nút áo, quanh hột có cơm mầu đen, vị ngọt mùi hăng hắc. Khi trái chín có mầu đen, gân nổi ôm tròn từng khía. Trái ô môi già, hái xuống chưa thể ăn liền, đem về bỏ dưới nền nhà tuần lễ, nửa tháng càng tăng vị ngon ngọt, hương vị độc đáo.
Trong y học, nhiều danh y đã kết luận ô môi là vị thuốc bổ ví ngang hàng với Canh ki na. Nhiều người ngâm ô môi với rượu, có mầu đỏ đặc trưng, tác dụng không thua rượu Canh ki na. Do đó, ô môi còn được nhân dân gọi vui là "Canh ki na Việt Nam". Công dụng rượu ô môi giúp trị đau lưng, nhuận trường, tiêu chảy, trái sống dùng trị táo bón. Lá ô môi đâm nhuyễn trị lác, hắc lào... rất hiệu nghiệm. Hột ô môi đem ngâm vào nước nở ra, bóc vỏ ngoài, bỏ ngòi chính giữa, lộ ra lớp cơm trắng ngần, dùng nấu với chè đậu xanh, ăn vừa ngon, vừa giòn, vừa ngọt, vừa béo không thua chè hạt sen. Người ta có thể bóc trái ô môi ăn không cần qua công đoạn chế biến nào cũng rất thú vị.
Hiệu quả kinh tế từ cây ô môi cũng mang tính thuyết phục. Khi vào chính vụ, trái ô môi được các chủ vựa, các nhà sản xuất thuốc ở thành phố, đến tận điểm thu mua đem về nấu cao, chế biến thuốc uống, ngâm rượu...
Từ xa xưa cho đến giờ, ô môi vẫn là loại cây tạo nên cảnh quan riêng cho vùng đất Nam Bộ.
Báo Nhân Dân
|
|
|