Du lịch sinh thái vùng cao nguyên đá Hà Giang
Cập nhật: 21/05/2012
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, từ năm 2010 đến hết năm 2011, đã có 32.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Có thể coi đây là một sự gia tăng đột biến với ngành du lịch Hà Giang. Doanh thu từ du lịch đạt đến con số trên 280 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với thời kỳ 2009-2010. Các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái được ưu tiên phát triển thời gian qua đang có đóng góp nhất định trong việc thu hút du khách đến với Hà Giang cũng như góp phần vào sự tăng trưởng doanh thu từ ngành du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Hà Giang, nơi có cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, hội tụ nhiều vẻ đẹp văn hóa đặc sắc. Lên vùng cao phía Bắc, hiện trước mắt du khách là những con đường ngoằn nghèo ẩn hiện trong mây và sương mù, là cả một rừng đá xám của vùng cao nguyên đá. Đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ trên con đường Hạnh Phúc vắt vẻo ở lưng chừng núi, nhìn xuống dòng sông Nho Quế chỉ còn là một dải lụa màu hun hút dưới chân núi xa xăm.


Đi về phía tây Hà Giang, nơi được gọi là vùng cao núi đất, du khách bắt gặp những bản làng của người Tày, Nùng, Dao… với những nếp nhà sàn, nhà lá đơn sơ, những chân ruộng bậc thang tuyệt đẹp và tấm lòng rộng mở của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây.

Hà Giang có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Mông chiếm tới trên 32%, người Tày trên 23%, người Dao trên 15%, người Kinh gần 13%, người Nùng gần 10%... Mỗi dân tộc mang một nét văn hóa riêng, thể hiện trong phong tục, tập quán, lối sống, trang phục, phương thức sản xuất… Người ta dễ nhận ra ngôi nhà sàn của người Tày và cũng không khó để biết những ngôi nhà sàn của người Mông với kiến trúc đặc trưng, đó là những nếp nhà thấp, tường đất, nằm cheo leo trên những sườn núi cao quanh năm đầy sương mù.

Tất cả đất trời, thiên nhiên, con người cùng những nét đặc trưng về văn hóa của mỗi dân tộc đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc mầu của vùng cao nguyên đá Đồng Văn - tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái đang chờ được thức dậy.

Hà Giang xác định, xây dựng và phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với những sản phẩm truyền thống được coi là một trong những chiến lược nhằm thu hút khách du lịch. Mấy năm qua, người dân địa phương cũng đã thu lợi từ các công việc như cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, phục vụ du khách ăn uống với các món ăn truyền thống, ẩm thực đặc sản của địa phương (gà đồi, lợn đen, rau núi, rượu ngô…).

Tham gia làm du lịch cộng đồng, tính bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 10-20 triệu đồng/năm (số tiền không nhỏ với mỗi hộ vùng cao); có hộ đạt hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, lực lượng người dân tham gia làm du lịch và lợi ích khai thác từ du lịch cộng đồng cũng chưa nhiều, chưa là phổ biến. Để du lịch phát triển trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh (du lịch-dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và công nghiệp chế biến), những nhà hoạch định chính sách Hà Giang chủ trương phát triển nhanh mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách.

Trong mấy năm thực hiện chủ trương trên, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 46 làng văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được triển khai, trong đó có 29 làng đã chính thức ra mắt hoạt động. Từ năm 2012, với mong muốn bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, khai thác tối đa tiềm năng du lịch trên địa bàn cũng như tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, Hà Giang đã quyết định xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, sẽ có 12 làng văn hóa du lịch tiêu biểu dự kiến được xây dựng. Mỗi huyện có ít nhất một làng, riêng thành phố Hà Giang có hai làng theo những tiêu chí của tỉnh đề ra.
Vietnam+