Điện Biên: Trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc tại bản Him Lam 2
Cập nhật: 05/07/2012
(TITC) - Với môi trường khí hậu trong lành, mát mẻ và chứa đựng nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái đen, bản Him Lam 2 (phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đang trở thành điểm dừng chân thú vị, hấp dẫn nhiều du khách trong hành trình tham quan mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử.

Him Lam là tên gọi chệch đi của từ “Hin Đăm”, theo tiếng Thái có nghĩa là "đá đen". Bản Him Lam được dựng trên vùng đất có rất nhiều đá đen nên người dân đã đặt tên bản là Hin Đăm, sau gọi chệch thành Him Lam. Năm 1974, bản Him Lam được tách ra thành 2 bản là Him Lam 1 và Him Lam 2, nằm cách nhau bởi dòng sông Nậm Rốm. Nếu bản Him Lam 1 được du khách biết đến như một di tích lịch sử gắn với trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13/3/1954, thì bản Him Lam 2 lại là một điểm đến để du khách có dịp trải nghiệm và khám phá đời sống văn hóa của dân tộc Thái đen vùng Tây Bắc.

Từ trung tâm TP. Điện Biên Phủ, đi theo quốc lộ 279 về phía đông nam khoảng 3km rồi rẽ trái đi qua cây cầu treo bắc ngang dòng Nậm Rốm, du khách sẽ đến bản Him Lam 2 – nơi mang đậm nét văn hóa dân tộc Thái đen, từ kiến trúc nhà sàn, trang phục cho đến các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…

 Nhà sàn văn hóa của người Thái đen (Nguồn ảnh: Internet)

Bản Him Lam 2 có diện tích tự nhiên là 100ha. Nhà sàn ở bản có mái ở hai đầu hồi được kiến trúc theo kiểu vòm khum mai rùa, một kiểu kiến trúc đặc trưng gắn với thần thoại thuở khai thiên lập địa, thần rùa đã dạy cho người Thái đen biết cách làm nhà theo hình rùa đứng. Điểm đặc trưng nữa trong kiến trúc nhà sàn của người Thái đen là hai đầu đòn nóc nhà đều có “khau cút” hình chữ X và tại vị trí đối diện với bàn thờ tổ tiên đều có cột thiêng để treo mai rùa nhằm tỏ lòng biết ơn thần rùa cũng như thể hiện hình tượng đẹp trong văn hóa tâm linh của người Thái đen.

Bên cạnh kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục cũng là nét văn hóa đặc thù của dân tộc Thái đen. Nam giới thường khoác trang phục thổ cẩm màu chàm xanh hoặc chàm đen, còn nữ giới thường mặc áo cóm cổ liền, váy màu đen tuyền, thắt dải lưng xanh và quàng khăn piêu. Ngoài ra, nhiều lễ hội; làn điệu dân ca, dân vũ; nhạc cụ; trò chơi dân gian; ẩm thực và nghề dệt truyền thống của người Thái cũng được dân bản bảo tồn nguyên vẹn, tạo nên tập quán sinh hoạt đặc trưng.

Bản Him Lam 2 có hơn 120 hộ dân với 500 nhân khẩu. Trước đây, đời sống kinh tế của dân bản chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nhưng hiện nay do biết cách làm du lịch cộng đồng dưới nhiều hình thức (đưa đón khách tham quan, thu xếp cho khách có nhu cầu du lịch homestay…) nên cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, bản có 5 hộ tham gia cung cấp dịch vụ du lịch, 15 người dân địa phương đã hoàn thành khóa tập huấn về du lịch cộng đồng. Ngoài ra, để tạo phong cách phục vụ chuyên nghiệp trong mắt du khách, bản Him Lam 2 đã lập một đội văn nghệ chuyên biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ và tổ chức các chương trình giới thiệu về loại hình nghệ thuật dân gian Thái.

Với vị trí khá đặc biệt, nằm ngay cửa ngõ thành phố, trong khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ và ngày đêm soi bóng xuống dòng Nậm Rốm xinh đẹp, năm 2004, bản Him Lam 2 đã là 1 trong 8 bản được tỉnh Điện Biên lựa chọn để thí điểm đầu tư xây dựng thành bản văn hóa, du lịch. Đến nay, bản Him Lam 2 đã trở thành điểm văn hóa du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn với đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng và phương tiện thiết yếu nhưng vẫn không làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái đen.



                                                                                                                              Thanh Hải