Người dân Rạn Trào bảo vệ tự nhiên để phát triển du lịch
Cập nhật: 12/07/2012
(TITC) - Cách thành phố Nha Trang chừng 60km về hướng bắc, khu bảo tồn biển Rạn Trào ở thôn Xuân Tự 1, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, có vị trí cách biệt hẳn với sự ồn ào của phố thị hiện đại. Rạn Trào nằm trong khu vực biển vịnh Vân Phong, có tổng diện tích 98 ha, gồm vùng đệm 71ha và vùng lõi 27ha, trong đó bao gồm các vùng nuôi hải sâm, tôm hùm, vẹm, tu hài, san hô…

Trước năm 2000, Rạn Trào bị ngư dân trong vùng khai thác thủy sản quá mức với phương pháp khai thác mang tính hủy diệt (thuốc nổ, thuốc độc, giã cào) và không bền vững đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng các loài thủy sản, làm tuyệt diệt các loài có giá trị thương mại cao như ốc hương, hải sâm, tôm hùm, cá mú, hơn nữa còn làm hủy hoại nghiêm trọng các rạn san hô và gây xói mòn vùng bờ. Tình trạng còn trở nên xấu hơn do sự nuôi trồng thủy sản (tôm hùm, tôm sú) bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng dịch bệnh và mâu thuẫn xã hội. Những kết quả điều tra cho thấy, nơi đây, độ phủ san hô cứng ước tính là 10-20%, thậm chí là ít hơn so với độ phủ trung bình thấp của quốc gia.  

Trước tình hình đó, năm 2000 Khu bảo tồn Rạn Trào được thành lập do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển & Phát triển Cộng đồng (MCD) tài trợ về mặt kỹ thuật và hỗ trợ một phần kinh phí cho nhóm nòng cốt bảy người bảo vệ Rạn Trào. Điều đặc biệt của Khu bảo tồn này chính là mô hình cộng đồng cư dân cùng tham gia bảo vệ, quản lí, kết hợp với làm du lịch tại chỗ.  

Từ khi khu bảo tồn được thành lập tới nay, đã không còn tình trạng người dân khai thác san hô trái phép, số lượng các loài hải sản trong khu vực cũng gia tăng, vùng san hô ở Rạn Trào cũng được hồi sinh mạnh mẽ. Cộng đồng và chính quyền ở Vạn Ninh thực sự coi việc bảo tồn hệ sinh thái biển ở Rạn Trào là công việc của họ, bởi ngoài ý nghĩa bảo vệ môi trường, nó cũng mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương.    

Từ khi hệ sinh thái biển, đặc biệt là san hô ở Rạn Trào hồi sinh như ngày nay, ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dân địa phương có thu thập thêm từ việc làm du lịch.   

Mô hình bảo tồn biển cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái tại Rạn Trào trong những năm qua đã giúp cho cư dân nơi đây nâng cao đời sống, vấn đề môi trường cũng được cải thiện, đặc biệt không còn tình trạng khai thác thủy sản tự do như trước.  

Bên cạnh các hoạt động ngắm cảnh, tham quan hệ sinh thái tự nhiên, du lịch Rạn Trào còn hấp dẫn du khách bởi mô hình du lịch cộng đồng, nhà ở homestay. Ở đây, gia đình nào có đủ các tiêu chí như nhà ở sạch sẽ, hợp vệ sinh đều được tham gia phục vụ khách du lịch như: dịch vụ ăn uống sinh hoạt tại nhà, ngủ qua đêm. Trong không gian mênh mông của biển, được ngồi dưới những mái chòi lợp bằng lá tranh và bao quanh bởi những tán cây dừa của làng quê biển, du khách sẽ dễ dàng hòa mình vào không gian thanh bình của làng quê và sự tận hưởng kì nghỉ cũng vì thế mà trở nên thú vị và thơ mộng hơn.  

Rạn Trào trở thành một mô hình điểm về sự kết hợp giữa lợi ích của cộng đồng và việc bảo tồn tự nhiên trên cơ sở phát triển du lịch của địa phương.

Hương Lê