(TITC) - Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phát triển ASEAN – Australia (giai đoạn II), sáng ngày 09/7/2012 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch Việt Nam và Học viện William Angliss (Australia) đã phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá về công cụ phát triển kỹ năng nghiệp vụ buồng khách sạn trong khu vực ASEAN. Đây là một lĩnh vực được ưu tiên trong bộ công cụ phát triển kỹ năng nghề du lịch, do Học viện William Angliss xây dựng và giới thiệu lần lượt tại các quốc gia thành viên ASEAN.
Hội thảo có sự hiện diện của lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL), các đại biểu đến từ Học viện William Angliss, Dự án EU, Luxembourg, Tổng cục Dạy nghề, một số cơ sở đào tạo và khách sạn ở Việt Nam.
Hội thảo đã nghe tham luận của các đại biểu của Học viện William Angliss giới thiệu về bộ công cụ, trong đó có các chủ đề như “Quá trình hình thành và hiện trạng Dự án xây dựng Bộ công cụ phát triển kỹ năng nghề du lịch” do Giám đốc dự án, ông Wayne Crosbie trình bày; “Phương pháp luận xây dựng Bộ công cụ - Thách thức và cách tiếp cận” được trình bày bởi ông Alan Maguire - Điều hành dự án; “Tìm hiểu về các cấu phần của Bộ công cụ” do chuyên gia trưởng Alan Hickman trình bày...
Các đại biểu đã tiến hành thảo luận nhóm, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, đánh giá về kỹ năng nghiệp vụ buồng, đồng thời đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện hơn các công cụ hướng dẫn nghiệp vụ buồng để sử dụng trong Chương trình đào tạo giảng viên trong nội khối ASEAN; đề ra các tiêu chuẩn lựa chọn giảng viên trưởng và kiểm định viên trưởng; đồng thời đề xuất các hoạt động trong khuôn khổ dự án trong thời gian tới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 vào tháng 1/2007, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đặt ra mục tiêu xây dựng cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015. Trong đó, một trong những trụ cột là xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, đưa ASEAN trở thành một thị trường chung, năng động hơn và có tính cạnh tranh cao hơn với những cơ chế và giải pháp nhằm thực thi các sáng kiến kinh tế trong khu vực. Một thị trường chung ASEAN cần bảo đảm 5 yếu tố cốt lõi là các dòng lưu chuyển tự do về: (i) hàng hóa, (ii) dịch vụ, (iii) đầu tư, (iv) vốn, (v) lao động có kỹ năng.
Mục tiêu trên cũng đã được ngành du lịch ASEAN góp phần cụ thể hóa trong Lộ trình 2004 – 2010 và gần đây nhất là Kế hoạch chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2011 – 2015. Trong Lộ trình 2004 – 2010, riêng về vấn đề phát triển nguồn nhân lực, các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được một số kết quả sau: thúc đẩy xây dựng những Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Nghề du lịch; thúc đẩy các hoạt động phát triển nguồn nhân lực thông qua xây dựng chương trình giảng dạy trong nội khối ASEAN, trong đó có những chương trình giao lưu, đào tạo chéo, chứng nhận chéo. Trong Kế hoạch chiến lược 2011 – 2015, ASEAN sẽ nhấn mạnh hơn tới phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là về các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Nghề du lịch, với nhiều giải pháp đồng bộ. Kế hoạch cũng nêu rõ những yêu cầu cụ thể về: xây dựng các công cụ phát triển nguồn nhân lực; đào tạo giáo viên; đào tạo kiểm định viên; thiết lập hệ thống đăng ký nghề du lịch ASEAN; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn tương đương trong ASEAN; thành lập Ban thư ký để hỗ trợ sáng kiến này ở tầm khu vực. Những nội dung trên sẽ góp phần giúp các quốc gia ASEAN sẵn sàng hơn trong tiến trình xây dựng cộng đồng chung vào năm 2015, đặc biệt là về lưu chuyển dịch vụ và lao động có kỹ năng.
|
Hương Lê - Truyền Phương