Du lịch làng nghề là ưu tiên lựa chọn hiện nay, nhưng để phát triển trên nền tảng sinh thái và văn hóa thì còn khá nhiều vấn đề cần khắc phục.
Kết quả cuộc nghiên cứu khảo sát vào cuối năm 2011 của Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) tại 5 cơ sở đúc đồng, 11 cơ sở sản xuất đèn lồng, 4 cơ sở dệt và 11 cơ sở mộc đã cung cấp cho các nhà quản lý Quảng Nam một bức tranh về tiềm năng sản xuất, thương mại, phát triển du lịch làng nghề “xanh” ở hành lang di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn.
|
Gốm Thanh Hà
|
Theo VIRI, 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nghề dệt, 77,78% SMEs nghề đèn lồng được đánh giá tốt việc cung cấp năng lượng. Hầu hết các SMEs sử dụng gas và củi làm chất đốt. Không có doanh nghiệp nào sử dụng than đá. Hơn 95% SMEs nghề dệt thuê nhân công, hơn 70% SMEs nghề đúc đồng, đèn lồng và hơn 60% SMEs nghề mộc thuê nhân công, còn lại sử dụng thành viên trong gia đình. Tỷ lệ lao động trung bình phân theo giới cũng khá cân bằng trong các doanh nghiệp này. Các loại chất thải từ SMEs chủ yếu là chất thải rắn (37,3%) và chất thải lỏng (34,5%) với các thành phần chủ yếu gồm sợi bông, mùn cưa, than củi, vải vụn và nguồn nước SMEs đang sử dụng gồm nước giếng và nước máy, chưa tới mức gây ô nhiễm… Tuy nhiên VIRI cũng đã đưa ra khuyến cáo rằng tại các SMEs vấn đề an toàn lao động chưa được chú trọng. Tất cả mới chủ yếu cung cấp thông tin về Luật An toàn lao động và Quy định của SMEs đến người lao động. Chính sách an toàn lao động chỉ được SMEs chú ý tới việc mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho lao động toàn thời gian. Nhưng, lao động bán thời gian và thành viên lao động trong gia đình dường như ít được hưởng các quyền lợi từ SMEs.
Trên cơ sở thực tiễn của phương pháp nghiên cứu “Đánh giá nhanh (RA)”, xây dựng 312 bộ câu hỏi dành cho các hộ sản xuất và các SMEs, VIRI nhận định: SMEs ở Quảng Nam có kinh nghiệm lâu năm trong nghề sản xuất thủ công, sản phẩm khá đa dạng và đặc trưng. SMEs và người sản xuất đều nhận thấy tầm quan trọng của môi trường làm việc không ô nhiễm. Nhưng hầu hết họ không đặc biệt chú ý đến vấn đề này do khó khăn về tài chính và giải pháp kỹ thuật. Vấn đề lớn nhất mà các SMEs đang đối mặt chính là thông tin thị trường, tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm, công nghệ xanh/sạch, thiếu nguồn vốn và thiếu lao động trong mùa cao điểm.
Từ kết quả đó, VIRI cho rằng Quảng Nam cần tham khảo quá trình xây dựng chiến lược phát triển ngành nghề thủ công “xanh-sạch”. Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ thuật sản xuất cho người dân địa phương phát triển mẫu mã các làng nghề du lịch xanh thì vấn đề quan tâm lớn nhất vẫn là chuyện giải quyết vấn đề môi trường tại các làng gốm với chất thải than đã nung xong; giảm thiểu chất thải của nghề chiếu cói; phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế trong việc sử dụng hóa chất/keo dính cho sản xuất đèn lồng tại Hội An. Ngoài ra, cần tiến tới việc hỗ trợ xử lý nguồn nước đối với nhà máy nhuộm, hồ sợi tại làng dệt Nam Phước (Duy Xuyên), phát triển màu nhuộm thân thiện với môi trường cho làng chiếu cói ở Hội An và Duy Xuyên, phát triển các sản phẩm đúc đồng (Điện Bàn) một cách bền vững. Đặc biệt, hỗ trợ cho sự phát triển theo kênh thương mại bình đẳng đối với sản phẩm thủ công ở Quảng Nam, nhất là sản phẩm cho mục tiêu du lịch và xuất khẩu.