(TITC) - Du lịch homestay hiện đang rất phát triển ở khu vực Tây Bắc. Tham gia loại hình du lịch này, du khách không những có dịp chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau mà còn có cơ hội trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của dân cư địa phương. Một trong những điểm đến mà du khách không thể bỏ qua là bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên.
Từ di tích lịch sử hầm Đờ Cát, xuôi theo sông Nậm Rốm về hướng tây bắc khoảng 8km, du khách sẽ tới bản Co Mỵ.
Co Mỵ theo tiếng Thái có nghĩa là cây mít. Tương truyền, khi người Thái về định cư tại bản, thấy nơi đây có cây mít to chừng vài người ôm, quả thơm ngon nên đã đặt tên bản là Co Mỵ. Năm 1945, một vụ hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi nhiều nhà sàn và cây mít cổ thụ. Đến nay, cây mít tuy không còn nhưng dân bản vẫn luôn nhớ về nguồn gốc tên gọi của bản.
Bản Co Mỵ có diện tích tự nhiên khoảng 60ha, là nơi cư trú của hơn 100 hộ dân tộc Thái, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, rau màu và chăn nuôi. Cách đây hơn 10 năm, dân bản Co Mỵ đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tiến tới xây dựng bản văn hóa xanh, sạch, đẹp. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2002, bản đã được tỉnh Điện Biên công nhận là bản văn hóa cấp tỉnh. Những nếp nhà sàn khang trang nằm bên cạnh những rặng tre ngà đã cho thấy phần nào cuộc sống no ấm của dân bản. Bản còn được tỉnh Điện Biên chọn làm bản tiêu biểu cho xã Thanh Chăn để phát triển loại hình du lịch khám phá các di tích lịch sử ở TP. Điện Biên Phủ (đồi A1, D1; hầm chỉ huy Đờ Cát; sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...) kết hợp trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc tại các bản làng lân cận.
Để du lịch cộng đồng khởi sắc, bản đã cử 5 người tham gia lớp tập huấn về du lịch cộng đồng; 5 người tham gia lớp học nấu ăn do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức; khôi phục và phát triển các làn điệu dân ca dân vũ, nghề thủ công, lễ hội đặc trưng của dân tộc Thái. Đến nay, Co Mỵ đã có riêng một đội văn nghệ chuyên biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian, một tổ ẩm thực sẵn sàng chế biến các món ăn địa phương mỗi khi khách đến...
Du khách đến Co Mỵ đều rất ấn tượng với các sinh hoạt thường ngày của dân bản, đặc biệt là cách chế biến các món ẩm thực như: “nhứa mu chụp xổm lốm” (nộm thịt lợn với lá chua chát); “nhớ pho” (thịt lợn băm gói lá chuối), “pa pỉnh tộp” (cá mổ lưng ướp cùng gia vị rồi nướng trên bếp than hồng); “lam nhọ” (thịt gà trộn rau bí để trong ống tre nướng trên than hồng)...
Với tiêu chí phục vụ “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, Co Mỵ đã thu hút khá đông du khách trong nước và quốc tế như Thái Lan, Lào, Trung Quốc, không những góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa đặc sắc mà còn từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái.
Thanh Hải