Tập tục sống và ăn Tết của người Pu Péo - Hà Giang
Cập nhật: 09/01/2008
Về nhà mới, cúng thần rừng hay Tết Nguyên đán là những dịp lễ quan trọng nhất trong hệ thống tín ngưỡng của người Pu Péo ở Hà Giang. Bánh chưng ngày Tết của họ gói bằng nếp cẩm dành cho năm cũ để xua đi điềm xấu và bánh chưng trắng đem vận may đến trong năm mới.  

Tài liệu xưa nhất đề cập đến người Pu Péo ở Việt Nam là Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Ðôn, viết vào giữa thế kỷ 18 với tên gọi La Quả. Ðến đầu thế kỷ 19, người Pu Péo được ghi với các tên gọi như: Penti, Pentilôlô, Kaobeo và Pu Péo.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, mặc dù dân số không đông, nhưng người Pu Péo sống khá phân tán trên rẻo cao biên giới Việt - Trung. Song người Pu Péo không giống người Mông - sống ở trên núi cao mà chọn những hồn địa giữa rừng núi để lập làng. Khu vực cư trú của người Pu Péo ở Phố Là, Sủng Tráng, hay Phú Lũng đều thuộc vùng núi giữa, mang đậm khí hậu Á nhiệt đới. Với điều kiện tự nhiên như vậy, người Pu Péo có thể vừa làm ruộng nước, vừa tận dụng được những thế mạnh của rừng trong cuộc sống mưu sinh.

Ðối với người Pu Péo, làm nhà là một trong những công việc lớn của đời người. Người Pu Péo quan niệm rằng, sự thành bại trong cuộc sống mỗi gia đình, mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào điền trạch. Chính vì thế, có rất nhiều tín ngưỡng chung quanh ngôi nhà của họ, từ việc chọn đất đến quá trình chọn cây, cột và xây cắt, nghi thức vào nhà mới...

Về nhà mới là lễ thức quan trọng nhất trong hệ thống tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà của người Pu Péo. Bao giờ lễ cũng được tổ chức vào gần sáng, từ khi gà mới gáy lần thứ nhất.

Trước khi vào nhà mới, thầy cúng phải thắp hương cúng tổ tiên ở nhà cũ (nếu tách hộ thì phải cúng ở nhà bố mẹ đẻ của chủ nhà) để xin về nhà mới, sau đó cúng các vị thần linh chung quanh nhà rồi thắp hương ở bếp sưởi, bếp lò và cửa ra vào. 

Sau khi thực hiện xong nghi thức ở bếp thiêng và cửa ra vào, mới được nhóm lửa bếp lò để đun nấu lễ vật cúng ở bàn thờ tổ tiên.

Người Pu Péo thờ đến ba đời (Pệ - đời bố mẹ; Tế ngân - đời ông bà; Tế gạo - đời các cụ), ứng với mỗi đời là một chiếc hũ (loog ten) đặt trên bàn thờ. Lễ vật cúng tổ tiên trong ngày vào nhà mới được tính theo số hũ thờ, thường thì mỗi hũ một con gà, năm nắm cơm nhỏ và một ít thịt. Sau khi cúng và đưa các hũ lên ban thờ mới, người ta lại phải cúng một lần nữa.

Mọi nghi thức phải hoàn tất vào lúc trời hừng sáng. Ðến khi trời sáng, họ hàng, làng xóm sẽ sang mừng tân gia, người con gà, người chai rượu hoặc ít tiền chúc phúc cho gia chủ.

Người Pu Péo sử dụng lịch cổ, mỗi giáp 12 năm (khuộp mai), mỗi năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Cứ ba năm có một năm nhuận, hoàn toàn giống cách tính lịch âm ngày nay. Vì vậy họ cũng ăn Tết Nguyên đán như nhiều dân tộc khác.

Trong những ngày Tết, người Pu Péo cũng có tục gói bánh chưng, nhưng có nét độc đáo riêng; họ gói bánh chưng đen bằng nếp cẩm (mí uột lặng) ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ, ngụ ý trút bỏ hết vận đen trong năm và bánh chưng trắng (mí uột lìn) cúng vào tối 30 để mừng năm mới.

Khi bước sang năm mới (qua 12 giờ đêm), nếu ai mở cửa ra ngoài thì khi vào nhà phải mang quà vào lấy may; quà đó có thể là một bó củi. Sau đó nam nữ đi gánh nước "nước vàng, nước bạc" để cầu may. Khi đi mang theo một bó hương và giấy vàng, đến mỏ nước thì đốt hương cầu khấn, khi lấy đầy nước vào thùng thì bỏ giấy vàng vào thùng và gánh về; đó là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, cầu cho mưa gió thuận hòa để có đủ nước cấy trồng.

Mặc dù số dân không đông, nhưng người Pu Péo ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng nhiều nghi lễ và cả một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú. Cùng với nghi thức về nhà mới còn lễ cúng thần rừng vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm. Cũng chính từ nghi lễ này nên khu vực nào có người Pu Péo sinh sống thường được bảo vệ rất tốt, nhất là khu rừng thiêng (việc bảo vệ rừng để có nước làm ruộng và có gỗ làm nhà luôn được truyền tụng từ đời này sang đời khác).
http://www.nhandan.com.vn