(TITC) - Nằm bên dòng sông Chảy thơ mộng, giữa ngàn mây trắng, thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) là nơi tập trung sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày. Những năm gần đây, đồng bào Tày ở Trung Đô đã biết khai thác vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, trữ tình; bản sắc văn hóa đa dạng cùng giá trị lịch sử độc đáo để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.
|
Cảnh đẹp thôn Trung Đô |
Đến thôn Trung Đô, con đường nhỏ trải bê tông sẽ đưa du khách tới từng hộ dân tộc Tày, nơi có những nếp nhà sàn đơn sơ nằm nép mình bên vườn cây xanh lá với những con người chân chất, hiền hòa, thân thiện, mến khách. Hiện cả thôn có 45 hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng theo Đề án Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai, trong đó 14 hộ có khả năng đón tiếp du khách tham quan và lưu trú qua đêm.
Ở đây, du khách sẽ có dịp tìm hiểu những phong tục tập quán độc đáo, đa dạng của đồng bào dân tộc Tày; thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn do chính người dân bản địa chế biến, đặc biệt là thịt mắm cơm đỏ, nem măng đắng, xôi bảy màu…; thưởng thức những bài hát, điệu múa đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương như hát giao duyên, hát then, múa khăn, múa quạt, múa sạp, múa xòe... Thôn Trung Đô còn chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, tiêu biểu là nghề dệt vải thổ cẩm, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, tinh xảo không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân mà còn là món quà lưu niệm không thể thiếu của du khách khi có dịp đến mảnh đất này.
|
Đền Trung Đô |
Một trong những điểm đến thu hút du khách ở Trung Đô là đền Trung Đô – Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 18 với diện tích hơn 30m², đền Trung Đô bao gồm 3 gian thờ Gia Quốc Công Vũ Văn Mật cùng dòng họ Vũ và tướng quân Hoàng Thùng – những người có công lao to lớn trong việc lãnh đạo nhân dân kiên trì bám trụ, đắp thành, xây lũy chống lại thế lực nhà Mạc, khôi phục nhà Lê ở vùng Đông Bắc.
Hiện trong đền còn lưu giữ một số cổ vật giá trị có niên đại thế kỷ 18, bao gồm 28 viên đá tảng được chạm khắc tỉ mỉ, công phu hình người, vượn, chim công...; 20 bát hương sứ; đặc biệt là các thư tịch cổ ghi lại những sự kiện liên quan đến hoạt động quân sự của các vị tướng thời bấy giờ. Những tài liệu này có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu chiến lược, chiến thuật xây dựng căn cứ quân sự của cha ông, các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong công cuộc xây dựng đất nước; đồng thời giáo dục truyền thống tự lực tự cường, yêu nước, chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ đất nước của nhân dân ta từ bao đời nay. Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, nhân dân thôn Trung Đô lại tổ chức lễ hội cúng đền để tưởng nhớ công lao của các vị tướng.
Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Trung Đô đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá “cao nguyên trắng” Bắc Hà.
Phạm Phương