(TITC) - Xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) là một vùng đất trù phú, nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò thẳng cánh cò bay, rộng thứ hai ở khu vực Tây Bắc (sau cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên). Với diện tích tự nhiên khoảng 11, 1526 km², đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa phong phú, trong đó dân tộc Thái chiếm 90% với khoảng 2.654 nhân khẩu.
|
Nhà sàn của chị Phượng ở bản Đêu 3 (Nguồn ảnh: Internet)
|
Từ lâu, Nghĩa An đã trở thành điểm dừng chân thú vị của nhiều du khách trên tuyến hành trình khám phá vùng đất Mường Lò. Khách du lịch đến Nghĩa An đều được đón tiếp nồng hậu, được hòa mình vào đời sống dân dã của người dân địa phương. Tuy nhiên, hình thức làm du lịch ở Nghĩa An vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ khiến khách du lịch chưa có nhiều cơ hội khám phá cái nôi văn hóa của dân tộc Thái.
Để khắc phục tình trạng này cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng (người dân địa phương di chuyển vật nuôi ra xa nhà sàn; sửa sang nhà sàn kết hợp xây mới nhiều công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; vệ sinh cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp…) gắn với bảo vệ môi trường sinh thái tại Nghĩa An.
Để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển, UBND xã Nghĩa An còn hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống; các lễ hội (lễ hội hoa ban, lấy nước, cầu mùa); các làn điệu dân ca, dân vũ (hát giao duyên, tự sự qua hình thức Hạn Khuống), các trò chơi dân gian (leo cột mỡ, đi cầu khỉ, ném còn, đẩy gậy, tó mắc lẹ); khuyến khích các bản thành lập đội văn nghệ, tổ ẩm thực sẵn sàng phục vụ mỗi khi khách đến thăm.
Đến nay, Nghĩa An đã phát huy được thế mạnh đặc trưng của mình và tạo uy tín với nhiều công ty lữ hành như: Hà Nội Amika, Sao Việt, Á Châu... Một trong những hộ dân được nhiều hãng lữ hành chọn để đưa khách đến là gia đình chị Hoàng Kim Phượng ở bản Đêu 3.
Chị Phượng là người đi tiên phong trong hoạt động du lịch cộng đồng. Nhà sàn đón khách của chị được đầu tư đầy đủ tiện nghi như tivi, tủ lạnh, mạng internet. Du khách được chị Phượng sắp xếp chỗ ăn, nghỉ chu đáo; tận tình hướng dẫn làm các công việc thường ngày. Chị Phượng còn tổ chức các tour khám phá phong cảnh thiên nhiên như: tour đi xe đạp tham quan suối Nậm Đông, tour đi xe đạp vượt 30km lên Trạm Tấu để tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người Mông; hợp tác với nhiều hãng lữ hành xây dựng các tour đón khách…
Một điển hình khác ở bản Đêu 2, chị Hà Thị Thanh có cách làm du lịch khá độc đáo. Chị đã vận động một số chị em trong bản thành lập tổ chuyên dệt, thêu các sản phẩm thổ cẩm với mẫu mã, hoa văn đa dạng để bán cho khách du lịch như: khăn piêu, khăn 7 màu, váy, áo, ví… Những sản phẩm thổ cẩm này thể hiện tâm hồn trong sáng của người phụ nữ Thái và ngày càng khẳng định thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Nghĩa An.
Với phương châm “Lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút du khách”, UBND thị xã Nghĩa Lộ vừa ra quyết định phê duyệt Dự án "Mô hình du lịch cộng đồng khu vực nông nghiệp - nông thôn xã Nghĩa An” với tổng mức đầu tư 980 triệu đồng, thời gian thực hiện từ quý 4/2012 đến quý 2/2013. Dự án gồm các nội dung: tu sửa, nâng cấp nhà nghỉ cho khách, nhà ăn cho các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng; xây dựng phòng tắm thuốc bắc; tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch; đầu tư phương tiện giao thông phục vụ du khách...
Thời gian tới, Nghĩa An sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình phụ đạt tiêu chuẩn; mở các lớp tập huấn, học hỏi và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời phân bổ khách hợp lý cho các hộ dân, đảm bảo an ninh trật tự, lên chương trình đón tiếp khách du lịch đúng tour, tuyến với sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn.
Thanh Hải