(TITC) - Từ Hà Nội, theo quốc lộ 6 khoảng 76km về phía tây nam đến thành phố Hòa Bình, tiếp tục rẽ phải về phía thượng nguồn sông Đà khoảng 25km, du khách sẽ tới Thung Nai (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).
Trước kia, Thung Nai là một thung lũng rộng lớn được bao quanh bởi rừng và các ngọn núi cao. Cái tên Thung Nai bắt nguồn từ việc có nhiều nai về đây gặm cỏ. Từ năm 1979 đến năm 1994, Nhà nước đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện sông Ðà nên Thung Nai được đắp đập để tích nước phục vụ cho công trình thủy điện.
Từ trên cao nhìn xuống, vẻ đẹp Thung Nai thật nên thơ, quyến rũ vô cùng. Vào những ngày mưa, mặt hồ trải rộng mang màu đỏ phù sa. Vào những ngày nắng, mặt hồ trong xanh in bóng núi non, mây trời. Với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, trên núi dưới hồ hòa quyện làm một, Thung Nai đã được ví như "Hạ Long trên cạn" thứ hai ở miền Bắc, sau Tam Cốc-Bích Ðộng (Ninh Bình).
Mùa xuân là thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp Thung Nai. Ngoài đi thuyền thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình, du khách còn có thể khám phá các điểm du lịch quanh Thung Nai như: đền và động Thác Bờ, chợ Thác Bờ, nhà nghỉ Cối Xay Gió, bản dân tộc Mường…
Từ bến thuyền Thung Nai, đi thuyền máy mất khoảng 15 phút, du khách sẽ đến đền bà chúa Thác Bờ nổi tiếng linh thiêng. Tương truyền, năm 1431, Vua Lê Thái Tổ đem quân đi đánh giặc ở Đèo Cát Hãn (Sơn La), nhưng khi đến khu vực Thác Bờ (đoạn sông Đà chảy qua xã Thung Nai có dòng nước chảy xiết, nhiều mỏm đá lớn nhấp nhô), quân sĩ của nhà vua không thể vượt qua. Lúc đó, hai người đàn bà dân tộc Mường và Dao đã cùng vận động người dân địa phương lên rừng xẻ gỗ đóng thuyền, bè giúp quân sĩ của nhà vua. Sau khi mất, 2 bà còn hiển linh giúp dân vượt sông an toàn nên người dân địa phương đã lập hai ngôi đền thờ và tôn hai bà làm bà chúa Thác Bờ. Đền thờ bà người Dao nằm trên đỉnh đồi Hang Thần (xóm Phố Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc) có kiến trúc theo hình chữ Đinh, gồm hai tòa: Đại bái và Hậu cung. Hiện nay, đền vẫn còn lưu giữ 1 quả chuông đồng được đúc vào tháng 2 năm Thành Thái thứ 6 (1895). Đền thờ bà người Mường tọa lạc trên sườn đồi Sầm Lông (xóm Đền, xã Thung Nai, huyện Cao Phong), gồm hai tầng: tầng 1 dùng làm nơi tiếp khách hành hương, tầng hai làm nơi thờ tự. Năm 2009, đền bà chúa Thác Bờ đã được tỉnh Hòa Bình công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Từ đền bà chúa Thác Bờ, mất 10 phút đi thuyền, du khách sẽ đến động Thác Bờ sâu hơn 100m, với nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng, đặc biệt, khi gõ tay vào đá sẽ tạo nên những âm thanh nghe như tiếng cồng chiêng của người Mường Hòa Bình. Trong động còn có ban thờ Phật, các vị thần linh và Bác Hồ. Động đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 2008.
Nếu đến Thung Nai vào cuối tuần, du khách còn có cơ hội tham dự phiên chợ nổi Thác Bờ họp vào sáng chủ nhật, bán các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như: gạo, dầu, muối, măng khô, mộc nhĩ, hoa quả, quần áo…
Nhà nghỉ Cối Xay Gió cũng là một trong những điểm thu hút đông du khách khi đến Thung Nai. Cái tên "Cối xay gió" bắt nguồn từ việc nằm trên nóc tòa nhà là một chiếc cối xay gió có bốn cánh rộng đang quay chầm chậm. Đây là nơi du khách có thể nghỉ qua đêm và thưởng thức các đặc sản của người Mường như lợn Mường nướng mật đặt trên lá chuối; cá sông Đà nướng; cá sông Đà xông khói theo kiểu Nga; cá cuốn lá lốt ăn kèm lá mơ, lá đinh lăng, chuối, khế; gà đồi; rau rừng; cơm lam,…
Thung Nai còn nhiều điều kỳ thú để du khách khám phá, đặc biệt là bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mường ở bản Mu và bản Gia Mỗ nằm cách bến thuyền Thung Nai gần 3km. Du khách có thể ăn, nghỉ tại nhà sàn và tham gia các sinh hoạt hàng ngày cùng với dân bản. Từ đây, du khách có thể đi bộ thêm 1km để đến suối Trạch với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, nguồn nước trong vắt, mát lạnh, để nghỉ ngơi và giải tỏa những căng thẳng mệt mỏi.
Du khách hãy một lần đến với Thung Nai để khám phá vẻ đẹp có một không hai vùng Tây Bắc và cảm nhận cuộc sống thanh bình nơi đây.
Thanh Hải