Xây dựng di sản Huế thành điểm tham quan, địa chỉ mua sắm hấp dẫn cho du khách
Cập nhật: 25/12/2012
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa xây dựng chương trình phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020, theo hướng đẩy mạnh khai thác các tour, tuyến mới gắn việc khai thác các giá trị của cảnh quan với quần thể di tích Cố đô Huế.

Đồng thời xây dựng khu di sản Huế thành điểm tham quan, địa chỉ mua sắm hấp dẫn, thể hiện tính văn minh, tiện ích trong chuỗi di sản thế giới của khu vực miền Trung và cả nước.

Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển theo thứ tự các lĩnh vực dịch vụ thân thiện với môi trường như xe điện, thuyền cung đình; mở rộng các hoạt động dịch vụ ở khu vực Kinh thành, Hoàng thành (điểm nhấn của toàn bộ Quần thể di tích Cố đô Huế) và các công trình khác thuộc hệ thống di sản triều Nguyễn. Một trong 11 phương án phát triển dịch vụ mà Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế tập trung khai thác, đưa vào đón khách trong thời gian tới là cụm di tích lăng Tự Đức - Đồng Khánh - Kiên Thái Vương gắn với đồi Vọng Cảnh và các lăng mộ Hoàng gia khác ở chân đồi Vọng Cảnh. Trên cơ sở quy hoạch, sắp xếp các hoạt động dịch vụ gắn liền với bến xe Vọng Cảnh, Trung tâm BTDT Cố đô Huế tiến hành tổ chức tạo tuyến du lịch từ bến xe - chân đồi Vọng Cảnh đến các điểm du lịch bằng hình thức đi bộ, xe đạp, xe điện, xe ngựa, kiệu, hình thành các dịch vụ cho du khách thuê phương tiện để tham quan các di tích...

Tại đồi Vọng Cảnh, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đặt các ống kính viễn vọng trên đỉnh đồi để giúp du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Hương; hình thành các tour du lịch ngắn đi từ bến xe Vọng Cảnh đến các điểm di tích bằng các phương tiện thủ công và cơ giới thân thiện với môi trường, nối kết giữa điểm này với cụm di tích đàn Nam Giao, làng hành hương, Hổ Quyền - Voi Ré, lăng Hiếu Đông - lăng Thiệu Trị - điện Hòn Chén - lăng Cao Hoàng; nối kết với tour du lịch đường thủy bằng thuyền...

Việc đầu tư đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ khách tại các điểm tham quan di tích Cố đô Huế trong thời gian qua đã góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đến cuối tháng 12/2012, lượng khách đến tham quan các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đạt xấp xỉ 2 triệu lượt khách, doanh thu trực tiếp từ bán vé tham quan di tích và các dịch vụ đã đạt 100 tỉ đồng. Cùng thời điểm này, Trung tâm cũng thực hiện miễn giảm giá vé tham quan di tích cho du khách và người dân địa phương vào các dịp lễ, Tết và các đối tượng học sinh, thầy cô giáo đạt khoảng 5,1 tỷ đồng. Đây cũng là năm đạt nguồn thu cao nhất từ trước đến nay của Trung tâm BTDT Cố đô Huế...

ĐCSVN