Nhãn hiệu chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) quần đảo Cát Bà có hình biểu tượng voọc đầu vàng trắng và được bảo hộ sở hữu trí tuệ trên toàn cầu. Một số sản phẩm, thương hiệu du lịch ở Cát Bà được cấp nhãn hiệu trên cơ sở thẩm định theo các quy định nghiêm ngặt cho thấy giá trị thiết thực với du lịch Cát Bà.
Những sản phẩm được cấp nhãn hiệu có đủ điều kiện, chất lượng và tiêu chuẩn phục vụ Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013.
18 đơn vị được cấp nhãn hiệu
Nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ quần đảo Cát Bà được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng xét, cấp cho 5 nhóm sản phẩm gồm: nước mắm; mật ong; dịch vụ tàu thuyền du lịch; khu du lịch vui chơi giải trí; cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống ở quần đảo Cát Bà. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, sau 3 đợt thẩm định, xét duyệt, có 18 đơn vị đủ điều kiện được cấp nhãn hiệu chứng nhận gắn lên sản phẩm. Trong đó, có những sản phẩm đặc trưng Cát Bà.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng Nguyễn Anh Tuân cho biết: Quá trình thẩm định, xét, cấp nhãn hiệu được triển khai chặt chẽ, bảo đảm các sản phẩm được gắn nhãn có chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn. Theo đó, trong quá trình phấn đấu để sản phẩm được gắn nhãn, các đơn vị, doanh nghiệp hoàn chỉnh hóa, tiêu chuẩn hóa, nâng cấp chất lượng sản phẩm để có thể vượt qua được quá trình thẩm định. Sau khi được cấp nhãn hiệu, các đơn vị có sản phẩm gắn nhãn chịu sự giám sát về chất lượng của các thành viên trong hội đồng thẩm định, của lực lượng thanh, kiểm tra và nhất là sự đánh giá của dư luận, người sử dụng dịch vụ.
Phần nhiều các đơn vị được cấp nhãn hiệu nhận thức được giá trị thương hiệu gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà. Thực tế cho thấy, 18 đơn vị được cấp nhãn hiệu đều kinh doanh hiệu quả, có uy tín, thương hiệu trong dịch vụ du lịch ở Cát Bà. Chủ tịch Hiệp hội du lịch Cát Bà Nguyễn Thị Thu Hường khẳng định, có nhiều nguyên nhân tạo nên kết quả đó, nhưng không thể phủ nhận việc sản phẩm được gắn nhãn hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới là yếu tố đóng vai trò quan trọng.
18 đơn vị, sản phẩm được gắn nhãn hiệu chứng nhận: Sản phẩm Mật ong của Công ty Nhà Việt; các khách sạn: Holiday View, Các Hoàng Tử, Hướng Dương, Sea Pearl, Hùng Long, Yến Thanh, Lepont, Mặt trời và Biển, Giấc mơ Cát Bà, Lan Hạ; khu du lịch sinh thái Nam Cát, Suối Gôi; các nhà hàng: Quang Anh, Quý tộc, Neptune; tàu du lịch ORIENTAL SUN.
|
Tạo sản phẩm du lịch bền vững
Việc đạt được nhãn hiệu khu DTSQ quần đảo Cát Bà cho sản phẩm du lịch khẳng định nỗ lực của các đơn vị, chủ doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng sản phẩm, ý thức trách nhiệm đóng góp vào quá trình phát triển du lịch Cát Bà. Điều quan trọng hơn, theo Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa, các sản phẩm được gắn nhãn hiệu Khu DTSQ quần đảo Cát Bà sẽ có giá trị quảng bá toàn cầu. Theo đó, nếu giữ được nhãn hiệu thì đây là loại hình kinh doanh du lịch bền vững, trở thành xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp hướng đến trong mục tiêu phát triển.
Tuy vậy, quá trình cấp nhãn hiệu vẫn gặp khó khăn. Cụ thể, việc nuôi trồng thủy sản tại các vịnh phát triển quá nhanh (chủ yếu là nuôi cá lồng, bè), có ảnh hưởng xấu, gây ô nhiễm môi trường nước. Tại thị trấn Cát Bà, nhu cầu mở rộng đô thị và phát triển kinh tế trái ngược với mục tiêu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ môi trường sinh thái. Nhận thức của một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, chưa thấy hết được giá trị của việc gắn nhãn Khu DTSQ quần đảo Cát Bà. Trong khi công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuẩn hóa sản phẩm để xét gắn nhãn hiệu chưa thực sự hiệu quả.
Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần tích cực phối hợp trong công tác cấp nhãn hiệu khu DTSQ quần đảo Cát Bà. Trong đó, tạo hiệu quả trong hướng dẫn, vận động các cá nhân, đơn vị doanh nghiệp hưởng ứng gắn nhãn Khu DTSQ quần đảo Cát Bà. Thông tin về Khu DTSQ Cát Bà cũng như nhãn hiệu cần đưa vào chương trình ngoại khoá trong trường phổ thông với nội dung dễ hiểu, dễ thực hiện. Một yêu cầu khác, đó là triển khai xây dựng kế hoạch, quy hoạch các khu vực, bảo đảm mục tiêu phát triển và bảo tồn giá trị và tài nguyên thiên nhiên, du lịch quần đảo Cát Bà.
Quyền lợi của chủ thể sử dụng nhãn hiệu chứng nhận: được chứng nhận cho loại sản phẩm do đơn vị mình sản xuất, kinh doanh; được giới thiệu, quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu chứng nhận. Những sản phẩm được gắn nhãn hiệu chứng nhận được lựa chọn quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, được ưu tiên đón, phục vụ các đoàn khách quốc tế đến tham quan trên đảo Cát Bà.
|