TP. HCM tìm giải pháp cho du lịch đường sông
Cập nhật: 17/01/2013
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã xem sản phẩm du lịch đường sông là một thế mạnh, có tính cạnh tranh cao để định hướng phát triển lâu dài. 

Chính vì vậy, ba năm trở lại đây, thành phố tập trung mọi nguồn lực nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đường sông. Tuy nhiên, cho đến nay, sản phẩm du lịch này chưa được khai thác hiệu quả.

Tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả

Thành phố Hồ Chí Minh xem du lịch đường sông là một lợi thế bởi nơi đây được thiên nhiên khá ưu đãi với hệ thống sông ngòi dày đặc vào loại hàng đầu cả nước, cảnh quan dọc hai bên bờ sông phong phú. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch này có thể liên kết với các sản phẩm du lịch khác như làng nghề, vườn cây ăn trái, di tích lịch sử-văn hóa để hình thành nên những loại hình du lịch phong phú.

Từ trung tâm quận 1, các tuyến du lịch tỏa đi đủ các hướng với cảnh quan sông nước phong phú tạo nên bức tranh đường sông tuyệt đẹp. Chẳng hạn như tuyến nội đô Rạch Bến Nghé-Kênh Tàu Hủ (qua các quận 1-4-6-8) kết nối các khu đô thị cũ và mới với cảnh quan đô thị sông nước, cuộc sống thường nhật của cư dân được thể hiện khá ấn tượng ở hai bên bờ sông.

Tuyến bến Bạch Đằng-Quận 9-Đồng Nai lại mang đến những điều thú vị mới cho du khách khi thuyền đi từ sông Sài Gòn qua sông Đồng Nai. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu chùa, chiền cũng như cuộc sống làng quê ven sông. Bên cạnh đó, khách du lịch sẽ được tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành khi thuyền lướt qua các kênh rạch tự nhiên và các cù lao đẹp thuộc loại hiếm có của Đồng Nai (cù lao Phố, cù lao Ba Xê...).

Ngoài những tuyến đường sông trên, thành phố còn có những tuyến du lịch đặc sắc khác đáp ứng mọi nhu cầu của du khách như Bạch Đằng-Củ Chi; Bạch Đằng-Cần Giờ; Bạch Đằng-Làng họa sỹ...

Tuy nhiên, theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, hoạt động du lịch đường sông của thành phố chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng hiện có. Trong năm 2012, chỉ có tuyến Bạch Đằng-Củ Chi (đi Bình Dương, Tây Ninh) đạt hiệu quả nhất với gần 15.000 lượt khách quốc tế trong khi các tuyến còn lại rất ít khách.

Thậm chí có nhiều tuyến, điểm trong tour du lịch đường sông sau một năm khai thác đã ngưng hẳn hoạt động đón khách. Chỉ có số ít các đơn vị lữ hành đưa du lịch đường sông vào tour du lịch tham quan thành phố của họ. Do đó, hoạt động du lịch đường sông của thành phố chưa có gì chuyển biến.

Gỡ khó để phát triển

Ông Võ Xuân Nam, phó Phòng Lữ hành (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố) chia sẻ, giai đoạn đầu ngành du lịch đã vận động các doanh nghiệp tổ chức những chuyến đi để đánh giá tiềm năng, thế mạnh của các tuyến, điểm, xem xét các sản phẩm đó có thu hút được khách du lịch hay không nhưng ít doanh nghiệp hưởng ứng. Vấn đề không nằm ở sản phẩm, ở tính hấp dẫn mà vấn đề nằm ở cơ sở hạ tầng, đầu cầu, bến bãi. Đây được xem là khúc mắc lớn khiến các doanh nghiệp “quay lưng” với du lịch đường sông.

Bởi lẽ, việc xây dựng cầu tàu bến bãi không phải chuyện dễ. Không phải đơn vị lữ hành nào cũng đủ kinh phí để đấu thầu xây dựng. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp chịu đầu tư xây cầu tàu nhưng chỉ được khai thác ở một khu (xây cầu tàu ở đâu chỉ được đưa khách đến đó) thì hiệu quả kinh tế lại không bù đắp được kinh phí bỏ ra. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường thủy còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính. Thêm vào đó, các công trình giao thông đường bộ cũng cản trở du lịch đường sông.

Cũng theo ông Lã Quốc Khánh, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố sẽ thay đổi cách triển khai đề án thay vì tiến hành từ trên xuống dưới như lâu nay. Sở sẽ yêu cầu các quận huyện có tuyến du lịch đường sông trực tiếp tham gia xác định nhu cầu, địa điểm các bến, trạm; nguồn kinh phí đầu tư và quy hoạch mạng lưới hệ thống các điểm dừng, bến tàu, bến đậu...

Vietnam+