(TITC) - Hà Nội là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những nét văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Công ty Cổ phần Đồng Xuân đã đưa vào khai thác tour du lịch khám phá phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) bằng xe điện.
Hành trình này sẽ qua các tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Chiếu, Nguyễn Siêu, Lò Rèn, Hàng Đồng, Hàng Vải, Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Bát Đàn, Hàng Quạt, Lương Văn Can, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Hàng Gai.
Tham gia tour du lịch này, du khách vừa có dịp tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa (ngôi nhà 48 Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, chùa Huyền Thiên, cửa Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, nhà cổ 87 Mã Mây, tượng đài Vua Lê Thái Tổ, nhà Thờ lớn Hà Nội, tượng đài Vua Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn), vừa có cơ hội mua sắm tại phố Hàng Gai cũng như thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của Hà Nội.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang trước thuộc phường Diên Hưng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, Kinh thành Thăng Long (nay thuộc phường Hàng Đào).
Trong những năm đầu thế kỷ 20, ngôi nhà được vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ sử dụng làm nơi bán các mặt hàng bông, sợi, vải lụa, tơ tằm, gấm vóc.
Ngày 22/8/1945, tại nhà 48 Hàng Ngang, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Thường vụ Trung ương Đảng đã họp, ra chỉ thị cho các vùng khác trên cả nước tiếp tục đấu tranh giành chính quyền theo gương Hà Nội và cử đồng chí Lê Đức Thọ lên chiến khu Tân Trào (Thái Nguyên) đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 25/8/1945, khi Bác Hồ về đến thủ đô, Bác đã đến số nhà 48 Hàng Ngang để ở và làm việc cùng các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh. Ngày 26/8/1945, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Trong số các quyết định đưa ra tại cuộc họp, Thường vụ đã nhất trí để Bác chuẩn bị bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tổ chức mít tinh ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời chính thức ra mắt nhân dân.
Sau khi Bác mất (năm 1969), ngôi nhà đã được trùng tu, bảo tồn thành di tích cách mạng. Nhà có kiến trúc kiểu Pháp, mặt quay hướng đông, gồm 4 tầng. Tầng 1 có 3 phòng, trong đó không gian phòng ngoài cùng được bố trí giống hệt với cửa hàng bán bông, sợi, vải lụa, vải tơ tằm, gấm vóc trước đây của gia đình chủ nhà. Hai phòng ở phía trong, một phòng là nơi đón tiếp khách, phòng kia là nơi làm việc của Ban Quản lý di tích. Tầng 2 gồm có hai phòng (phòng làm việc của Bác và phòng họp của Trung ương Đảng). Các hiện vật trong hai phòng này vẫn được bảo tồn và đặt nguyên vị trí cũ. Tầng 3 có 3 phòng, trong đó 2 phòng trưng bày, giới thiệu về những đóng góp cho cách mạng của gia đình ông Trịnh Văn Bô. Phòng còn lại làm nơi tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tầng 4 có 1 phòng bếp, hệ thống cầu thang lên sân thượng và khoảng không gian khá rộng dùng làm nơi điểm tâm, uống trà phục vụ du khách tham quan theo phong cách của người Hà Nội xưa. Khu vực này không những lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa điển hình của gia đình tư sản yêu nước Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ 20 mà còn góp phần làm phong phú thêm dịch vụ phục vụ du khách cho di tích.
Chợ Đồng Xuân không chỉ là trung tâm buôn bán lớn của Hà Nội và cả nước, mà còn là một địa chỉ tham quan hấp dẫn du khách.
Chợ được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, nằm trong tổng Đồng Xuân nên có tên là Đồng Xuân. Lịch sử của chợ gắn liền với sự hình thành và phát triển của đất Thăng Long xưa.
Ban đầu, chợ được xây dựng trên diện tích khoảng 6.500m², gồm 5 dãy nhà liền kề lợp mái tôn. Mặt tiền của chợ được thiết kế theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong. Khi mới đi vào hoạt động, chợ Đồng Xuân chỉ họp theo kiểu chợ phiên, hai ngày một phiên. Về sau do nhu cầu phát triển kinh tế, thương mại, chợ họp hàng ngày từ sáng đến tối. Nhờ hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi nên dân buôn bán ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ cùng đổ về chợ, mang theo đủ loại hàng hoá (từ hàng nông sản, thực phẩm, rau quả, đến vải vóc, máy móc) khiến chợ trở thành nơi tập trung giao thương lớn nhất Bắc Kỳ khi đó. Đặc biệt từ khi người Pháp xây dựng xong cầu Long Biên thì chợ Đồng Xuân còn thu hút giới thương nhân nước ngoài, nhất là các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ... thường xuyên qua lại buôn bán.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Tại đây đã diễn ra các trận chiến giữa Vệ quốc quân chống lại lính lê dương của Pháp và rất nhiều Vệ quốc quân đã hy sinh. Năm 2005, nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND thành phố đã cho dựng bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 ngay cạnh chợ Đồng Xuân nhằm tưởng nhớ những người đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Thủ đô.
Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại trên tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m², gồm 3 tầng, với khoảng 2.000 gian hàng. Từ năm 2003, để đa dạng hóa hoạt động buôn bán, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch, chợ Đồng Xuân đã kết nối với tuyến phố Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường - Đồng Xuân tạo thành khu chợ đêm thu hút đông đảo người dân thủ đô và du khách đến tham quan, mua sắm dịp cuối tuần. Tại đây còn tổ chức biểu diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật dân gian như hát xẩm, chèo, quan họ Bắc Ninh...
Chùa Huyền Thiên (54 Hàng Khoai) nằm đối diện với chợ Đồng Xuân, là một trong tứ quán của kinh thành Thăng Long xưa (Trấn Vũ Quán (đền Quán Thánh), Huyền Thiên Quán (chùa Huyền Thiên), Đồng Thiên Quán (chùa Kim Cổ) và Đế Thích Quán (chùa Vua)).
Chùa Huyền Thiên được khởi dựng từ thời Lý, trên một bán đảo hình vành khuyên được bao quanh bởi hồ Tay Ngai (nay đã bị lấp), tạo thành thế quy xà hội tụ. Sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc chùa hiện nay mang đậm phong cách thời Lê, Nguyễn: gồm Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Hậu đường, gác chuông và hai dãy giải vũ. Chùa lưu giữ hệ thống tượng thờ phong phú; nhiều văn bia lớn được viết bằng chữ Hán, Nôm và Quốc ngữ; đặc biệt là quả chuông đồng nặng 500kg, cao 1,6m, được đúc vào thời Cảnh Thịnh đại nguyên niên (triều đại Tây Sơn, năm 1793).
Ô Quan Chưởng (phường Đồng Xuân) là cửa ô duy nhất của kinh thành Thăng Long xưa còn lại đến nay, mặt trước hướng ra phố Ô Quan Chưởng, mặt sau hướng phố Hàng Chiếu kéo dài.
Ô Quan Chưởng được dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) với tên chữ là Đông Hà Môn. Về sau, cửa được gọi là Quan Chưởng để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của quan Chưởng Cơ - chỉ huy vệ binh, đã cùng với khoảng 100 binh lính nhà Nguyễn anh dũng chiến đấu chống quân Pháp khi Pháp đánh Thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) qua cửa Đông Hà.
Ô Quan Chưởng được xây bằng gạch vồ (kích thước lớn tương tự loại gạch dùng để xây tường ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám), với thiết kế kiểu 2 tầng có vọng lâu - một kiểu kiến trúc đặc trưng thời Nhà Nguyễn. Tầng dưới gồm 3 cửa, cửa chính giữa cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ ở hai bên rộng khoảng 1,65m, cao 2,5m. Cả ba cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Tầng trên là vọng lâu 4 mái, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Giữa cửa chính và vọng lâu là một khung hình chữ nhật (cao gần 1m, rộng khoảng 3m), mặt trước có đắp nổi ba chữ Hán bằng mảnh sứ màu xanh “Đông Hà Môn”. Ô Quan Chưởng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử năm 1994.
Đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm) là một trong tứ Trấn (trấn Đông) của kinh thành Thăng Long xưa. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, thờ thần Long Đỗ - Thần Quảng Lợi Bạch mã Đại vương, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long. Năm 1010, sau khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long đã cho xây dựng, mở rộng thành nhưng hễ cứ xây lên thành lại đổ xuống. Vua cho người đi hỏi dân quanh vùng mới biết ở đất này có hiển linh từ trước, bèn sai biện lễ cầu đảo. Đêm ấy, vua nằm mộng gặp thần tới chúc mừng và dặn cứ theo dấu vó ngựa mà đắp. Ngay lúc đó, vua nhìn thấy một con ngựa trắng phi thẳng vào đền rồi biến mất. Hôm sau tỉnh dậy, nhà vua thấy có dấu chân ngựa in trên mặt đất thành đường vòng tròn, bèn sai người cứ theo đó mà xây thành, đắp lũy. Thành sau khi được xây xong rất chắc chắn, vững chãi. Để tưởng nhớ công ơn của thần, nhà vua cho tạc một con ngựa trắng để thờ, sắc phong cho thần là “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”, và đền Bạch Mã (ngựa trắng) có tên từ đó.
|
Đền Bạch Mã là một công trình kiến trúc cổ điển hình gồm: tam quan, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm... Tam quan có mặt bằng hình chữ nhật, gồm 5 gian với hệ thống cột gỗ lim lớn và bốn bộ vì đỡ mái kiến trúc theo kiểu “chồng rường giá chiêng hạ bảy”. Đặc biệt, giữa xà hạ và xà trung của mỗi vì có hai tượng nghê lớn bằng gỗ. Ngay sau tam quan là phương đình với hệ thống “củng ba phương”, vừa có tác dụng chịu lực - đỡ góc mái, vừa có tác dụng để trang trí và là nơi treo đèn lồng trong các dịp lễ hội.
Đại bái là kiến trúc lớn nhất đền, gồm 5 gian, nền nhà được lát bằng đá xanh hình chữ nhật. Bộ khung đỡ mái nhà bằng gỗ với kích thước khá lớn, được kê lên các tảng đá hình tròn. Hai vì hồi kiến trúc theo kiểu “kẻ chuyền” còn bốn vì giữa kiến trúc theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ bảy”. Hai bộ vì gian giữa dẫn vào chính điện có chạm các hình tứ linh trên nền hoa văn xoắn.
Tòa Thiêu hương và cung cấm có kiến trúc gần giống nhau, gồm 5 gian. Mái nhà có hai tầng với các góc đao cong. Bộ khung nhà được dựng bởi hệ thống các cột gỗ lớn, các bộ vì đỡ mái được kiến trúc theo kiểu “giá chiêng chồng rường”.
Đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như: bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng... Hàng năm, để tưởng nhớ thần Long Đỗ, cứ đến ngày 12 và 13/2 âm lịch, UBND quận Hoàn Kiếm lại tổ chức lễ hội đền Bạch Mã với những nghi thức tế lễ truyền thống cùng một số hoạt động văn hóa khác như: hát ca trù, hát chèo, ngâm thơ, múa kiếm, múa đao…
Năm 1986, đền Bạch Mã đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo tài liệu cũ ghi chép lại, một đầu phố Mã Mây trước đây nằm sát bến sông Hồng - bến cảng sầm uất có nhiều thuyền bè neo đậu tấp nập. Các lái buôn thường lên phố trao đổi, mua bán hàng và còn xây nhà định cư. Vì vậy, Mã Mây hiện là phố còn lưu giữ nhiều nhà cổ (kiểu truyền thống Việt Nam, Pháp hoặc Hoa) nhất Hà Nội, trong đó nổi bật là nhà số 87.
Nhà cổ 87 Mã Mây có kiến trúc kiểu Việt Nam truyền thống, khung bằng gỗ, tường bao bằng gạch. Mái nhà dốc về 2 phía, lợp ngói ta, trong đó lớp lót là ngói chiếu, lớp ngoài là ngói mũi hài. Nhà gồm 2 tầng, tầng 1 có 4 phòng và 1 khoảng không. Phòng ngoài cùng để trưng bày và bán hàng, tiếp đến là khoảng không đặt các chậu cây bonsai tạo không gian thoáng mát, kế tiếp là phòng ăn và trong cùng là nhà bếp và công trình phụ. Tầng 2 có hai phòng, trong đó phòng khách đặt bàn thờ tổ tiên và bộ trường kỷ, trên tường treo bộ tứ quý bằng gỗ; còn phòng ngủ được bài trí gọn gàng với bộ bàn ghế, sập gụ, tủ chè. Phía trước và phía sau phòng ngủ có hiên khá rộng để ngồi uống trà, chơi cờ tướng.
Năm 1999, TP. Hà nội và TP. Toulouse (Pháp) đã phối hợp thực hiện dự án “Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà nội” để phục vụ du lịch và nhà số 87 được thí
điểm triển khai. Đến thăm nhà cổ 87 Mã Mây, du khách không những có dịp tìm hiểu kiến trúc, văn hóa, lịch sử của ngôi nhà mà còn có cơ hội mua những mặt hàng thủ công truyền thống của Việt Nam như: vòng, nhẫn bạc, tranh Đông Hồ, tượng tranh, bình, lọ gốm, tượng đồng, bàn ghế mây tre, mặt nạ giấy, gỗ, lụa tơ tằm…; thưởng lãm nghệ thuật viết thư pháp, xem biểu diễn hát ca trù (vào các tối thứ 3, 5, 7 hàng tuần).
Tượng đài Vua Lê Thái Tổ tọa lạc trong khuôn viên ngôi nhà số 16 Lê Thái Tổ, là công trình văn hóa tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lê Lợi (1385-1433) - người đã có công lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh giải phóng đất nước vào thế kỷ 15 và gắn với truyền thuyết Lê Lợi “trả gươm thần” cho rùa vàng.
Tượng đài Vua Lê Thái Tổ được dựng vào khoảng năm 1896 bằng đá ghép và chia làm ba phần. Phần dưới (chân tượng đài) gồm 5 bậc đá tròn có đường kính nhỏ dần từ dưới lên trên. Bậc trên cao hơn bậc dưới khoảng 0,45m. Phần tiếp theo có hình nón trụ với chiều cao 1,10m, gồm ba lớp đá (các viên đá được tạo kiểu hình thang, ghép so le với nhau giữa lớp nọ với lớp kia). Phần còn lại cao khoảng hơn 2m, được tạo hình thân trụ tròn trơn. Riêng đỉnh trụ được làm bè ra tạo thành hình bát giác để đỡ bức tượng đồng Vua Lê Thái Tổ. Tượng cao 1,2m; tư thế đứng thẳng; đầu đội mũ bình thiên trang trí nổi các hình rồng chầu; tay trái buông thõng; tay phải vua cầm gươm vàng chỉ về phía trước diễn tả truyền thuyết vua trả gươm thần cho rùa vàng.
Nhà thờ lớn Hà Nội (40 Nhà Chung) nằm cách tượng đài Vua Lê Thái Tổ khoảng 5 phút đi bộ. Đây là Nhà thờ Chính Toà của Tổng Giáo phận Hà Nội và cũng là một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên tại Hà Nội. Lễ khánh thành nhà thờ được tổ chức đúng vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887).
Nhà thờ lớn Hà Nội do Giám mục Puginier tự tay vẽ kiểu và chỉ huy thi công xây dựng. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique trung cổ châu Âu, theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m, trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Hai tháp chuông nhà thờ cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc.
Các cửa đi và toàn bộ cửa sổ của nhà thờ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothique. Kết hợp hài hòa với các cửa sổ là những bức tranh Thánh bằng kính màu. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng độc đáo. Ở gian chính có tượng thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m.
Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông boòng lớn, đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp.
Trung tâm quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ bằng kim loại. Xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa, phía sau có hang đá.
Tượng đài Vua Lý Thái Tổ tọa lạc tại vườn hoa Lý Thái Tổ (phố Đinh Tiên Hoàng), là công trình kiến trúc đẹp nhằm tôn vinh Vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028), người đã có công khai sáng kinh thành Thăng Long.
Tượng đài được dựng ngày 17/08/2004, khánh thành ngày 07/10/2004, do nhà điêu khắc Vi Thị Hoa sáng tác, công ty Trách nhiệm hữu hạn Mĩ nghệ Đoàn Kết tỉnh Nam Định thực hiện. Đây là bức tượng đồng nguyên chất được đúc liền khối, nặng 34 tấn (tượng 14 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,10m (tượng cao 6,8m, bệ cao 3,3m). Tính theo đơn vị centimet, 1010 cm tương ứng với số 1010, năm khai sáng Kinh thành Thăng Long.
Tượng trong tư thế đứng thẳng, đầu đội mũ bình thiên, tay phải cầm “Chiếu dời đô”, tay trái chỉ xuống nơi định đô. Tượng được đặt trên đài hình bát giác (tượng trưng cho tám hướng), phần trên đài cách điệu bốn cổng thành Hà Nội, phần bệ giật cấp ba bậc thềm tượng trưng cho thiên thời - địa lợi - nhân hoà, những yếu tố nền tảng để Vua Lý Thái Tổ đặt niên hiệu Thuận Thiên.
Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc Sơn, thuộc hồ Hoàn Kiếm, chỉ cách vườn hoa Lý Thái Tổ mấy phút đi bộ.
Đảo Ngọc Sơn xưa được gọi là Tượng Nhĩ (tai voi). Vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long đặt tên đảo là Ngọc Tượng và đến đời Trần thì đảo được đổi tên là Ngọc Sơn. Một ngôi đền được dựng trên đảo để thờ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Về sau lâu ngày ngôi đền bị sụp đổ. Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 - 1739), chúa Trịnh Giang đã cho dựng cung Thuỵ Khánh trên nền ngôi đền và đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía đông gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội. Cuối đời Lê, cung Thuỵ Khánh bị Lê Chiêu Thống phá huỷ. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai đã dựng chùa Ngọc Sơn trên nền cung Thuỵ Khánh cũ. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), một hội từ thiện đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, đưa tượng Văn Xương đế quân vào thờ và đổi tên là đền Ngọc Sơn. Văn Xương là nhân vật đời Kiến Vũ, bên Trung Quốc, sau khi chết được phong là thần chủ về văn chương khoa cử.
Năm Tự Đức thứ mười tám (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa được đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc một cây cầu từ bờ đông đến cổng đền gọi là cầu Thê Húc, nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời. Trên núi Ngọc Bội cũ, ông cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ "Tả Thanh Thiên" (viết lên trời xanh), ngày nay gọi là tháp Bút.
Đền chính gồm hai ngôi đền nối liền nhau, ngôi đền trong thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương, ngôi đền ngoài thờ Văn Xương Đế Quân, Lã Động Tân, Quan Vân Trường, Trần Hưng Đạo, Phật A Di Đà. Điều này thể hiện quan niệm Tam giáo đồng nguyên của người Việt. Phía nam đền có đình Trấn Ba hình vuông, tám mái, với 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ.
Sự kết hợp giữa đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên - Nhân hợp nhất, tạo vẻ đẹp hài hoà, đăng đối, gợi cảm giác chan hoà giữa con người và thiên nhiên.
Hàng Gai là đoạn phố dài 253m, phía đông giáp ngã tư Hàng Đào và nối với phố Cầu Gỗ, phía tây giáp ngã tư Hàng Hòm-Hàng Trống và nối với phố Hàng Bông, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ vài phút đi bộ
Trước kia, con phố này chuyên bán dây đai, dây thừng, võng… được làm bằng sợi gai nên có tên là phố Hàng Gai. Về sau, nhiều mặt hàng khác như: áo tứ thân, áo dài, khăn, ví bằng tơ lụa… cùng nhiều sản phẩm thêu ren khác… cũng được bán ở đây, vì thế mà phố còn được gọi là “phố tơ lụa”.
Với những cửa hàng kinh doanh tơ lụa truyền thống nằm san sát, phố Hàng Gai đã tạo nên nét đẹp đặc trưng cho phố cổ Hà Nội. Đi dọc phố Hàng Gai, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng nhiều mặt hàng tơ lụa độc đáo, tinh tế cũng như dễ dàng lựa chọn những sản phẩm mà mình yêu thích.
Thông tin dịch vụ
Giá tour: 590.000 đồng/xe (8 chỗ), bao gồm các dịch vụ đưa đón khách, bảo hiểm du lịch, nước uống, khăn lạnh.
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Công ty cổ phần Đồng Xuân
Địa chỉ : Tầng 1, chợ Đồng Xuân (phố Cầu Đông), Hà Nội.
Điện thoại : (84-4) 3928 4755/ 3928 4754/ 0989 553 427/ 0943 486 636.
Email: dongxuantours@gmail.com.
Website: http://dongxuanmarket.com.vn/dulich.php
{C}{C}{C} Thanh Hải