Nếu du khách có dịp đến phố biển Quy Nhơn (Bình Định), xin mời du khách ghé thăm Ghềnh Ráng Tiên Sa - nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch của miền đất võ, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 2km về phía đông.
Sự tích một huyền thoạiNgười dân nơi đây vẫn còn lưu truyền sự tích đã làm nên điểm du lịch đặc biệt này.
Ngày xưa, ở Bồng Sơn có người con gái đẹp, nết na thùy mị nổi tiếng. Hằng ngày, cô chăm lo ruộng đồng, tần tảo việc nhà, hết lòng giúp đỡ cha mẹ. Cô và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Những đêm trăng sáng, dưới bóng dừa bên bờ Lại Giang, đôi bên đã nặng lời thề ước.
Nhưng rồi sắc đẹp của cô đã làm viên quan huyện là người cùng làng mê say. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách để lấy cô làm vợ. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, cô khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng trai rồi bỏ làng trốn vào Quy Nhơn. Biết tin, viên quan huyện lập tức sai tùy tùng đuổi theo. Tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, cô gái biến mất trong đêm mưa gió tầm tã. Bọn chúng lùng sục khắp nơi nhưng không tìm ra dấu vết gì nên cho rằng cô gái đã liều thân nhảy xuống biển cả, đành tức tối trở về chịu tội với quan trên.
Chàng trai mất người yêu cũng chạy đi tìm kiếm. Anh leo hết tảng đá này đến tảng đá khác cất tiếng gọi người yêu. Tiếng anh tha thiết vang động khắp núi rừng và biển cả, nhưng trong đêm tối, anh chỉ thấy hình bóng người yêu thấp thoáng ẩn hiện, khi tha thướt trên rừng, khi nhấp nhô theo sóng biển như tiếc thương, vẫy gọi.
Từ đó, mỗi khi chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người trong vùng lại ngước tìm hình bóng cô gái thấp thoáng hiện lên. Vì vậy chốn này được gọi là Ghềnh Ráng Tiên Sa.
Bước ra từ sự tích
Nằm dưới chân núi Xuân Vân, Ghềnh Ráng là sự hợp thành của những bãi đá nối tiếp nhau, uốn lượn theo đường cong của eo núi. Sự xâm thực của thiên nhiên, sự mài mòn của sóng biển đã phô bày những khối đá khổng lồ nằm chồng chất lên nhau, tạo ra những hang hốc, hình thù cổ quái, sinh động. Hòn Chồng ở Ghềnh Ráng là một tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên đặc sắc bởi chỉ gá vào nhau một cách chỏng chơ, tưởng chỉ một cơn gió thoảng đã ngã đổ, vậy mà cứ đứng sừng sững cùng phong ba, tuế nguyệt. Riêng bãi Đá Trứng với những viên đá tròn nhẵn như một sự xếp đặt lạ kỳ của thiên nhiên...
Người có công đầu làm sống dậy điểm du lịch kỳ thú bậc nhất phố biển hiện nay, từ năm 1977, ông Võ Xuân Đài đã cùng gia đình lên đây làm rẫy trồng cây. Trước vẻ đẹp của tạo hóa, ông đã cho phá đá làm điểm du lịch tư nhân. Chuyện ông Đài làm du lịch thì người dân ở đây ai cũng biết và ngưỡng mộ. Năm 1998, ông Đài trao trả khu du lịch này cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định. Và cuộc “se duyên” giữa Ghềnh Ráng với Công ty Công viên và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn bắt đầu và tiếp diễn suốt bảy năm sau đó. Tháng 3/2005, Ghềnh Ráng lại có một cuộc “kết duyên” mới với Công ty Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn theo một định hướng tương lai hứa hẹn ngời sáng. Để tiếp quản cả khu đồi Xuân Vân rộng 168ha, Công ty Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn đã phải chi trả khoảng 10 tỉ đồng. Theo dự án, Khu du lịch Ghềnh Ráng sẽ được đầu tư với tổng số vốn lên đến 55,418 tỉ đồng. Đến nay, công trình nhà hàng Hoàng Hậu cũng đang tiến đến những bước cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng.
Nơi đây có lầu Ông Hoàng, nơi nghỉ mát của cựu hoàng Bảo Đại xưa kia, nay đã được tôn tạo lại. Theo dự án của Công ty Du lịch Sài Gòn, khu di tích Ghềnh Ráng sẽ được trồng cây tái tạo cảnh quan, nuôi thả động vật hoang dã. Ven khu di tích này cũng sẽ có các khu dịch vụ tắm biển. Du lịch biển Quy Nhơn như thế sẽ bổ sung thêm điểm sáng Ghềnh Ráng Tiên Sa vào bản đồ du lịch quốc gia.