Lý Sơn không chỉ là đảo tiền tiêu, giữ một vị trí chiến lược quan trọng trên vùng Biển Đông, mà còn là địa danh của hàng chục di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Với địa hình trông xa như 5 ngọn núi nhô cao giữa biển với nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như Giếng Tiền, Thới Lới, Chùa Hang, Chùa Đục, Hang Câu, Cổng Tò Vò, Hòn Mù Cu, Lý Sơn là huyện đảo đang và sẽ phát triển mạnh về du lịch sinh thái biển, đảo.
Gần đây, một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã đặt vấn đề với huyện Lý Sơn để đưa vào khai thác thêm loại hình du lịch dựa vào cộng đồng. Đó là đưa du khách vào ở trong các nhà dân, nhà cổ, đồng thời tìm hiểu văn hóa lịch sử của huyện đảo.
Đảo Lý Sơn vẫn còn lưu giữ dấu tích của người tiền sử trên núi Giếng Tiền, Thới Lới. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hiện vật quý giá của các nhóm cư dân thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm tại Xóm Ốc, Suối Chình…
Hàng năm, vào giữa tháng ba âm lịch, các tộc họ trên đảo tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - đây là một lễ thức rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn, mà cũng rất đặc trưng, không nơi nào có được.
Lý Sơn được khẳng định là bảo tàng sống động về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Hiện nay, huyện đang xúc tiến để đưa vào khai thác loại hình du lịch lặn biển, ngắm san hô, câu cá ven đảo.
Ông Phạm Hoàng Linh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn cho biết, sau khi huyện Lý Sơn khai trương tuyến du lịch biển, đảo năm 2007 theo tuyến chùa Hang, đình làng An Hải, chùa Đục, miệng núi lửa, di tích lịch sử Hải đội Trường Sa-Hoàng Sa, Âm linh tự và một số ngôi nhà cổ, hoạt động du lịch của huyện đã khởi sắc đáng kể. Các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ cũng được hình thành cùng với các dịch vụ xe đưa đón khách tham quan.
Nhờ vậy lượng khách đến với Lý Sơn ngày càng đông. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013, nơi này đã đón trên một vạn khách du lịch trong và ngoài nước.
Về mặt kinh tế, Lý Sơn đã và đang có những phát triển đáng kể, nhất là vài năm gần đây huyện đảo đã được Nhà nước đầu tư nhiều công trình, dự án lớn, điển hình như hồ chứa nước trên đỉnh núi Thới Lới, công trình bờ kè chống sạt lở và đường công vụ trên đảo. Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương cho kéo điện bằng cáp ngầm ra đảo.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn cho biết, ngư nghiệp từ lâu là ngành kinh tế mũi nhọn của người dân huyện đảo. Hiện nay toàn huyện có hàng nghìn lao động trực tiếp trên biển.
Năm 2012, tổng sản lượng khai thác hải sản của người dân trên đảo đạt gần 35.000 tấn với tổng giá trị gần 250 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện.
Những năm qua, ngư dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư, cải hoán tàu cá có công suất lớn để vươn khơi bám biển, vừa nâng hiệu quả trong khai thác đánh bắt hải sản vừa góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Lý Sơn còn được biết đến nhờ đặc sản hành, tỏi. Với đặc trưng riêng về thổ nhưỡng, khí hậu nên hành, tỏi Lý Sơn nổi tiếng với vị thơm, ngon không nơi đâu sánh được. Tháng 3/2009, hành, tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể độc quyền.