Lần đầu tiên Nam Giang sẽ góp sức cùng festival với hành trình “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh” và đêm hội cồng chiêng đầy sắc màu.
Âm vang cồng chiêng
Đêm đại ngàn với ánh lửa rực sáng, từng bước chân khỏe khoắn theo điệu tâng tung, Ting tít của các chàng trai người Cơ Tu, người Ve, Tà Riềng hòa cùng vũ khúc Za zắc, Rê rê của các thiếu nữ vùng cao…, núi rừng thết đãi du khách bằng bữa tiệc của sắc màu, của những điệu múa và của tiếng cồng chiêng huyền thoại. Cuộc trình diễn quy mô lớn với chủ đề “Âm vang cồng chiêng” vào thượng tuần tháng 6 năm ngoái đã để lại ấn tượng đẹp cho du khách, cũng như gợi mở một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng cho huyện miền núi Nam Giang. Không dừng lại ở đó, điều mà gần 300 nghệ nhân đến từ 12 đoàn tham dự đêm hội cồng chiêng mang đến còn là tình đoàn kết của những dân tộc anh em vùng biên, là những tinh hoa của dân vũ, của âm nhạc dân tộc, cống hiến cho người tham dự một “di sản” thực sự. Đêm hội đủ sức minh chứng sản phẩm du lịch độc đáo này của Nam Giang, gắn với không gian đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử được đưa vào festival di sản của Quảng Nam lần này, đưa phạm vi của cuộc “hành trình” vươn xa hơn, hấp dẫn và lý thú hơn.
Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, thông qua các hoạt động festival lần này, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng tham gia quảng bá sản phẩm văn hóa phi vật thể, giới thiệu thêm những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Giang. Ngoài ra, vào dịp festival di sản lần này, địa phương sẽ giới thiệu các sản phẩm có giá trị văn hóa, phục vụ du khách khi đến tham quan tại các điểm du lịch, trong đó điểm nhấn sẽ là đêm hội “Âm vang cồng chiêng” của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Song song với không gian văn hóa cồng chiêng, 1,3km của con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử tại thôn Pà Dồn (xã Cà Dy, Nam Giang) cũng vừa được tổ chức phục dựng, sẵn sàng đưa vào sử dụng để phục vụ cho festival di sản lần này. Đây là công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn tái hiện một không gian văn hóa đặc sắc phục vụ festival.
Sẵn sàng cho festival
Lần đầu tiên không gian văn hóa của festival di sản được mở rộng về phía tây cùng với những sản phẩm văn hóa du lịch mang đậm dấu ấn truyền thống và lịch sử, nên công tác chuẩn bị đã được địa phương lẫn các ban, ngành của tỉnh tích cực quan tâm vào cuộc. Hiện tại, UBND huyện Nam Giang đã sớm ban hành quyết định thành lập Ban tổ chức Đại hội TDTT huyện Nam Giang lần thứ 7 năm 2013 và tổ chức các hoạt động phục vụ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5-2013, xây dựng kế hoạch phục vụ, tổ chức hoạt động festival. Huyện cũng đã chọn 3 đội cồng chiêng tiêu biểu nhất đại diện cho 3 dân tộc thiểu số gồm Đội cồng chiêng xã Tà Pơ đại diện cho dân tộc Cơ Tu, Đội cồng chiêng xã Đắc Pring đại diện cho dân tộc Ve, Đội đinh tút của xã Đắc Tôi đại diện cho dân tộc Tà Riềng và 1 đội cồng chiêng thiếu nhi của xã Zuôih cùng tham gia công diễn phục vụ festival. Cùng với đó, mọi công tác tổ chức hướng đến lễ khai trương dự án Di tích lịch sử 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh cũng gần hoàn tất.
Ông Aviết Sơn cho biết thêm, dịp này, các sản phẩm văn hóa, du lịch của huyện Nam Giang như liên hoan cồng chiêng, đinh tút, dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại thôn Zơ Ra cũng sẽ được quảng bá rộng rãi đến du khách. Công tác tổ chức đón tiếp và đưa du khách đến với địa điểm du lịch để thưởng thức nét đẹp của vùng đất và con người Nam Giang như không gian văn hóa truyền thống trưng bày tại Nhà văn hóa huyện, tham quan khu du lịch sinh thái thác Grăng xã Tà Bhing… cũng đã được lưu ý và tích cực thực hiện. Festival lần này là cơ hội để huyện Nam Giang tiếp tục khẳng định và phát huy hơn nữa những thế mạnh về các sản phẩm du lịch, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng và mở rộng thêm các hoạt động văn hóa phục vụ cho du khách tại điểm du lịch sinh thái thác Grăng, phát triển thêm các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.
Dù là lần đầu tiên đưa vào phục vụ festival, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các sản phẩm du lịch còn tương đối hạn hẹp, song với sự chuẩn bị tích cực của địa phương cùng các ban, ngành, miền di sản mới của festival sẽ hứa hẹn một “điểm đến” hấp dẫn trong dịp này.