(TITC) - Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giữa một mạng lưới sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, với hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ rất thuận tiện: quốc lộ 1A, 61 đi qua, nối liền các mạch giao thông với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên Hậu Giang có khả năng giao lưu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh vùng Nam sông Hậu và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt tuyến đường bộ nối TP. Vị Thanh, thị trấn Một Ngàn và TP. Cần Thơ là cầu nối quan trọng giữa TP. Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu.
Không những thế, Hậu Giang còn là nơi định cư của nhiều dân tộc như: Việt, Hoa, Chăm, Khmer với bản sắc văn hóa phong phú và có nhiều danh thắng, di tích nổi tiếng như: chợ nổi Phụng Hiệp, vườn cò tại xã Xà Phiên, di tích Long Mỹ, di tích Tầm Vu, đền Bác Hồ…
Với tiềm năng, thế mạnh du lịch như vậy, cộng với việc thực hiện tốt công tác quảng bá, tiếp thị tiềm năng du lịch của địa phương đến du khách, đưa các điểm du lịch “đỏ” và “xanh” vào hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao quy mô lớn và tổ chức Hội chợ Công thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi của người dân và du khách, thời gian qua, du lịch Hậu Giang đã đạt được những thành công đáng kể, trong đó đáng chú ý là lượng khách du lịch. Theo số liệu thống kê, năm 2012, Hậu Giang đã đón gần 121.000 lượt khách, trong đó có 1.500 lượt khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có hơn 79.770 lượt khách đến Hậu Giang, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy lượng khách đến tham quan năm sau cao hơn năm trước nhưng du lịch Hậu Giang vẫn còn nhiều hạn chế như: tình hình suy thoái kinh tế chung dẫn đến việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch Hậu Giang không thuận lợi, chưa hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách, thiếu cơ sở hạ tầng du lịch như: nhà hàng, khách sạn, bến xe, bến tàu thủy…
Để khắc phục những tồn tại trên cũng như kích cầu du lịch Hậu Giang, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang Nguyễn Duy Tân, thời gian tới, Hậu Giang sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể để tỉnh thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Theo đó, Sở sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với việc thiết kế mẫu quà lưu niệm, thể hiện nét đặc trưng của Hậu Giang để tặng cho du khách; liên kết với một số công ty du lịch khảo sát và xây dựng các tuyến, điểm du lịch ở Hậu Giang, đồng thời hợp tác với các phóng viên báo chí để viết bài giới thiệu về các tuyến, điểm du lịch này; đầu tư xây dựng một số điểm du lịch mới như: Khu di tích Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân khu 9 (phường 5, TP. Vị Thanh), Khu di tích chiến thắng Vàm Cái Sình (phường 7, TP. Vị Thanh); mô hình du lịch cộng đồng tại vùng khóm Cầu Đúc (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh), dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động từ quý II năm 2014; phát hành Bản đồ du lịch Hậu Giang để giới thiệu rõ vị trí, tiềm năng của các điểm du lịch “xanh”, du lịch “đỏ” trong tỉnh đến du khách; tổ chức các hoạt động văn hóa ẩm thực trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm và xúc tiến đầu tư hướng tới Kỷ niệm Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân Khu 9 (1973 - 2013) và Kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh Hậu Giang; vận động các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình khuyến mại phục vụ khách du lịch…
Kích cầu du lịch Hậu Giang là giải pháp đúng đắn để xây dựng Hậu Giang trở thành điểm đến du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách.
Thanh Hải