Sau gần 3 tháng triển khai, đề án “Phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng” do Trung tâm xúc tiến du lịch thành phố Đà Nẵng hợp tác với Tổ chức chuyên gia cao cấp của Hà Lan (PUM) và Trường đại học Duy Tân thực hiện đã kết thúc.
Theo đó, đề án này sẽ là cơ sở cho một kế hoạch dài hạn và được sự đồng thuận cao từ cộng đồng du lịch.
Đề án “Phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng” bao gồm các chuyên đề, với nhiều phiên thảo luận khác nhằm tìm những ý tưởng mới, phát triển thành tiếng nói chung để xây dựng những giá trị cốt lõi của Đà Nẵng và vùng lân cận, đi đến thúc đẩy giai đoạn xúc tiến hành động nhằm khai phá hết tiềm năng phục vụ phát triển du lịch cho chính Đà Nẵng. Trong đó, những mối liên kết được xem là yếu tố không thể thiếu để làm nên một “Thương hiệu du lịch cho thành phố biển”.
Điểm khác biệt của đề án trên, đó là sự xuất hiện của các tình nguyện viên đến từ tổ chức phi lợi nhuận của Chính phủ và Liên hiệp công thương Hà Lan, do chuyên gia cao cấp PUM Guillauma Van Grinvens – người với hơn 45 năm làm việc trong ngành du lịch, giải trí và khách sạn, từng tham gia vào rất nhiều dự án marketing và xây dựng thương hiệu cho nhiều thành phố trên thế giới dẫn dắt. Với hàng loạt nội dung trong kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng, song ý tưởng chủ đạo chính là “Building bridges” – những cây cầu kết nối, những mắt xích giúp hoàn thiện diện mạo du lịch Đà Nẵng.
Theo số liệu nghiên cứu của PUM, kể từ năm 2006 đến nay, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước. Tuy nhiên, quy mô du lịch của Đà Nẵng vẫn còn nhỏ hơn so với nhiều nơi trên thế giới dù Đà Nẵng rất có tiềm năng. Liệu đã có một nơi mà chúng ta có thể gọi là trung tâm thành phố hay là quảng trường trung tâm thành phố đủ tiêu chuẩn để phục vụ khách quốc tế chưa?
Ông Guillauma Van Grinvens đặt vấn đề: “Rất yêu Đà Nẵng nhưng nhiều khi tôi tự hỏi trung tâm phố là ở đâu, quảng trường trung tâm của thành phố này ở chỗ nào? Du khách đến Đà Nẵng sẽ chi tiêu vào những cái gì? Phát triển du lịch không đồng nghĩa với xây nhiều khách sạn mà phải tạo nên những giá trị mà giá trị đó thông thường là sự kết nối chuỗi các giá trị bổ sung cho nhau”.
Ông Louk Lennaerts, đại diện Resort Fusion Maia nêu nhận định: “Muốn thu hút được khách nước ngoài không chỉ có sản phẩm du lịch đặc trưng vùng, miền mà đòi hỏi chúng ta phải có những công trình quy mô lớn, một trung tâm tổ chức sự kiện với sức chứa hàng nghìn người. Đà Nẵng có những cây cầu, có bãi biển đẹp thế nhưng những sản phẩm này vẫn chưa mang sắc màu hấp dẫn cho du lịch Đà Nẵng để làm nên thương hiệu riêng”.
Trong khi đó, ông Van Grinvens cho rằng, Đà Nẵng có tất cả nhưng vẫn chưa có gì đủ đặc biệt để nổi trội hơn so với các địa phương khác. Việc xây dựng thương hiệu du lịch ở Đà Nẵng theo nhiều chuyên gia đánh giá không phải chỉ là một câu slogan hay một logo mà thành phố phải có nhân tố cốt lõi, đó chính là con người. Ông nói: “Người Đà Nẵng rất tử tế, thân thiện và tốt bụng. Bên cạnh đó thì Đà Nẵng cũng nổi tiếng với những cây cầu. Điều này có nghĩa là chất lượng và đặc điểm cốt lõi của Đà Nẵng có thể được mô tả như những con người xây những cây cầu”.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó hiệu trưởng trường đại học Duy Tân nhấn mạnh: “Thương hiệu phải nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo, những người làm du lịch và cả người dân Đà Nẵng. Chỉ khi nào chúng ta liên kết và đồng lòng với nhau mới có thể đưa hình ảnh du lịch thành phố có sức hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế”.