Hội thảo giới thiệu thị trường Ấn Độ và Trung Đông
Cập nhật: 06/04/2015
(TITC) – Nhằm mục đích chia sẻ thông tin về nghiên cứu thị trường và hỗ trợ một phần cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch trong công tác quản lý và kinh doanh du lịch, thời gian vừa qua Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều đề án nghiên cứu thị trường khách quốc tế. Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2015, chiều 4/4/2015, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo giới thiệu hai thị trường nguồn Ấn Độ và Trung Đông.

Hội thảo có sự tham dự của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng, lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc TCDL, đại diện lãnh đạo các Sở VHTTDL, các trường đào tạo du lịch, các doanh nghiệp du lịch.


Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định nghiên cứu thị trường là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong Chiến lược marketing, có ý nghĩa quyết định đến định hướng và hiệu quả của các hoạt động xúc tiến. Cho đến năm 2014, Tổng cục Du lịch đã hoàn thành nghiên cứu 15 thị trường nguồn góp phần gia tăng tính hiệu quả trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường mới, thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có thị trường Ấn Độ và Trung Đông.

Theo giới thiệu của Vụ Hợp tác quốc tế, Ấn Độ là một quốc gia đông dân với 1,27 tỷ người. Năm 2012, số người dân Ấn Độ đi du lịch nước ngoài chiếm 1,2% dân số, dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới và có thể đạt 50 triệu lượt vào năm 2030. Năm 2012, Ấn Độ đứng thứ 23 trên thế giới về chi tiêu du lịch ở nước ngoài, với tổng chi tiêu là 12,3 tỷ USD (không bao gồm phí đi lại), dự báo đến năm 2020, tổng mức chi tiêu này sẽ đạt mức 28 tỷ USD, và năm 2030 sẽ là 91,2 tỷ USD, vươn lên thứ 2 thế giới về chi tiêu.

Ấn Độ hiện là thị trường gửi khách quan trọng của nhiều nước ASEAN như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam đang là thị trường mới nổi, đặc biệt đối với khách du lịch thích tìm hiểu văn hóa lịch sử và hành hương như du khách Ấn Độ thì Việt Nam hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn. Thời gian qua, lượng khách trao đổi giữa hai nước còn khiêm tốn, tuy nhiên có mức tăng trưởng mạnh. 5 năm qua, khách Ấn Độ đi du lịch Việt Nam tăng 344%, từ trên 16.000 lượt năm 2010 lên gần 55.000 lượt năm 2014; khách Việt Nam đi du lịch Ấn Độ cũng tăng nhanh. 

Trong chuyến thăm và làm việc với Bộ Du lịch Ấn Độ diễn ra từ 18 - 25/3/2015 theo lời mời phía bạn, đoàn công tác Tổng cục Du lịch đã gặp gỡ, trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, thông báo tình hình, định hướng của Du lịch Việt Nam thời gian tới. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cam kết tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Tổng cục Du lịch tham dự các sự kiện du lịch tại Ấn Độ, kết hợp tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thành phố lớn của Ấn Độ. Tổng cục trưởng cũng cho biết bà Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam rất hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ các kế hoạch hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam - Ấn Độ.


Toàn cảnh Hội thảo.

Đề án nghiên cứu của Vụ Lữ hành cho thấy thị trường Trung Đông cũng là khu vực hình thành nguồn khách lớn của du lịch thế giới. Lượng khách du lịch outbound của khu vực này tăng gấp 4,5 lần từ năm 1990 đến năm 2010 (từ 8 triệu lượt lên 36 triệu lượt), dự báo sẽ tăng lên 57 triệu lượt năm 2020 và 81 triệu lượt năm 2030; lượng khách du lịch outbound liên vùng trong khu vực chiếm 1/4 tổng lượng khách outbound, tương đương 9 triệu lượt khách; tốc độ tăng trưởng khách outbound bình quân giai đoạn 2000-2010 cao nhất thế giới, đạt 9,9%; mức chi tiêu trung bình là 1500 USD/khách trong năm 2010 và tổng chi tiêu đạt 55 tỷ USD.

Hai báo cáo nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch Ấn Độ và Trung Đông. Việt Nam có nền an ninh chính trị tương đối ổn định; tài nguyên du lịch phong phú, sản phẩm du lịch đa dạng phù hợp với sở thích và nhu cầu của nhóm khách này; dịch vụ du lịch và cơ sở lưu trú của Việt Nam nhìn chung đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch. Hơn nữa, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với Ấn Độ và các nước Trung Đông đang phát triển tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác phát triển du lịch.

Bên cạnh những thuận lợi, du lịch Việt Nam còn tồn tại những điểm hạn chế như các hoạt động quảng bá, xúc tiến tại các nước này còn chưa nhiều, đặc biệt tại các nước Trung Đông, thông tin về du lịch Việt Nam tại các thị trường này còn mờ nhạt; thiếu cơ sở phục vụ ăn uống cho khách du lịch đạo Hồi; nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về ngoại ngữ; kết nối hàng không chưa thực sự thuận lợi; yêu cầu thị thực (visa) với khách Ấn Độ và Trung Đông còn phức tạp.

Để tháo gỡ những khó khăn và tăng cường thu hút khách Ấn Độ và Trung Đông, các nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đối với các hoạt động xúc tiến quảng bá; thúc đẩy liên kết hàng không, du lịch; đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế…


Đại diện Doanh nghiệp du lịch đóng góp ý kiến.

Qua trao đổi và thảo luận các vấn đề xoay quanh hai thị trường nguồn Ấn Độ và Trung Đông, các nhóm nghiên cứu đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, trong đó có sự quan tâm đặc biệt từ phía doanh nghiệp du lịch. Đại diện các doanh nghiệp du lịch mong muốn sẽ có thêm nhiều đề án nghiên cứu các thị trường khách du lịch quốc tế tương tự được giới thiệu để họ có cơ hội hiểu thêm về nhu cầu, thị hiếu của khách, từ đó có định hướng đầu tư, kinh doanh cho phù hợp.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của các công trình nghiên cứu cũng như những ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu, góp phần hoàn thiện các đề án nghiên cứu. Phó Tổng cục trưởng mong muốn trong thời gian tới các đơn vị, doanh nghiệp du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch để đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất, thu hút một lượng lớn khách du lịch từ các thị trường nguồn này.

Tin, ảnh: Thanh Tâm