Những trò chơi, trò diễn của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ buổi đầu sơ khai thời các Vua Hùng dựng nước gắn với các làn điệu dân ca của người Việt và người dân tộc Sán Dìu đã diễn ra trong suốt 3 ngày từ ngày 3 đến 6/4 nhân lễ khai hội Tây Thiên.
Hàng vạn phật tử, du khách thập phương đã về dự lễ khai hội Tây Thiên năm 2015 ngày 3/4 tại khu di tích danh thắng Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Lễ hội Tây Thiên được thể hiện qua Lễ rước – Lễ Tế - Lễ dâng hương vào ngày 15/2 âm lịch (chính là ngày giỗ của Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu). Theo Ngọc phả thời Hùng Vương: Hùng Chiêu Vương thứ 7 lên núi Tam Đảo lập đàn cầu cho quốc thái dân an tại miền đất linh thiêng nhất đã gặp và kết duyên với cô sơn nữ Lăng Thị Tiêu – người con gái được sinh ra từ khí thiêng sông núi Tây Thiên. Bà được sắc phong làm Hoàng phi, đã có công giúp vua chiêu binh mãi tướng, luyện tập quân sĩ, đánh đuổi quân giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn. Bà đã dạy dân trồng lúa, chăn tằm dệt vải trong buổi bình minh của dân tộc. Khi đất nước thanh bình, bà không màng danh lợi mà đã trở về quê hương và “hóa” tại đây
Đã bao đời, từ các triều đại phong kiến Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong bà là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương – Thượng đẳng phúc thần. Hàng năm cứ vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, cử các quan đại thần lên cúng tế, dâng lên Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Nhân dân đã tôn vinh bà là Quốc Mẫu Tây Thiên và lập đền thờ, quanh năm hương khói tưởng nhớ công đức của bà tại vùng núi Tây Thiên.
Một trong những điểm khác biệt của lễ hội Tây Thiên chính là trang phục truyền thống và người dân tộc Sán Dìu. Đã qua rất nhiều thế hệ, đời cha tiếp nối đời con, người Sán Dìu ở Tam Đảo tự coi mình là con cháu lâu đời của Quốc Mẫu Tây Thiên. Bởi vậy, mà rất nhiều dòng họ người Sán Dìu, do cư trú lâu đời ở vùng núi Tây Thiên đã tự đổi họ mình để mang họ Lăng, là họ của Quốc Mẫu Tây Thiên. Họ lấy đó là niềm tự hào và kiêu hãnh được là con cháu của bà. Theo chia sẻ của các bậc cao niên, tục thờ Mẫu đã ăn sâu trong nếp nghĩ và sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Bởi vậy mà người Sán Dìu rất tự giác và tự nguyện trong việc hương khói quanh năm tại các đình, chùa thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu vào các dịp lễ tết, ngày mồng Một, ngày Rằm hàng tháng. Đó là cách để họ tỏ lòng biết ơn công đức cao dày của Quốc Mẫu đối với người Sán Dìu đã luôn phù hộ cho đồng bào làm ăn thuận lợi, được mùa, sinh con đẻ cái.
Từ tục xưa, những năm mất mùa, đói kém hoặc bị thú rừng phá hoại lúa ngô, người Sán Dìu lại làm lễ tạ xin Quốc Mẫu Tây Thiên bảo vệ và diệt các loại thú rừng phá hoại đời sống của họ. Ngày nay, cứ vào dịp lễ rằm tháng hai âm lịch hàng năm, trong lễ dâng hương tưởng nhớ Mẫu Tây Thiên, bao giờ cũng có những cô gái người Sán Dìu đi rước kiệu.