Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới
Cập nhật: 01/10/2009
Nếu có dịp đến Đà Lạt (Lâm Đồng), du khách hãy ghé thăm khu trưng bày tài liệu lưu trữ quốc gia của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 - trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (số 2 Yết Kiêu, thành phố Đà Lạt), tại đây, du khách sẽ ngạc nhiên và choáng ngợp khi được tận mắt nhìn thấy hơn 34.000 tấm Mộc bản triều Nguyễn được hình thành cách đây gần 200 năm.

                 Một mộc bản dưới triều Vua Minh Mạng

Mộc bản triều Nguyễn chính là những tấm gỗ quý (kích thước trung bình 0,43m x 0,27m, dày từ 2 - 4cm, mỗi tấm nặng chừng 300 - 400g), được khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm (chữ khắc ngược) thường cả hai mặt, dùng để in sách, tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra dân chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc mọi người tuân theo. Trong đó có những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, biến cố thời cuộc, cuộc tiễu trừ giặc dã... Tất cả các bản thảo về nội dung này đều được đích danh Hoàng Ðế ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý.

Với vật liệu chế tác hết sức đặc biệt, mỗi tấm mộc bản không những là một trang tài liệu quý giá mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Dưới triều Nguyễn, các chiếu, dụ, chỉ của nhà vua hay các sách quốc sử, sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí được biên soạn, in ấn bằng mộc bản. Nội dung tài liệu mộc bản rất phong phú và đa dạng, vừa có ý nghĩa lịch sử, văn hóa Việt Nam, vừa có giá trị quốc tế, phản ánh nhiều lĩnh vực xã hội dưới triều Nguyễn:

- Về lĩnh vực lịch sử: có 30 bộ sách, gồm 836 quyển; ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn.

- Về lĩnh vực địa lý: có 2 bộ sách, gồm 20 quyển; ghi chép về địa lý đã thống nhất ở Việt Nam và ghi chép về Hoàng thành Huế.

- Về lĩnh vực chính trị - xã hội: có 5 bộ sách, gồm 16 quyển; ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam.

- Về lĩnh vực quân sự: có 5 bộ sách, gồm 151 quyển; ghi chép về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Bình Thuận và một số nơi khác.

- Về pháp chế: có 12 bộ sách gồm 500 quyển; ghi chép về các điển chế và pháp luật triều Nguyễn.

- Về tư tưởng, triết học, tôn giáo: có 13 bộ sách, gồm 22 quyển; ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia.

- Về văn thơ: có 39 bộ, gồm 265 quyển; ghi chép thơ văn của các bậc đế vương và Nho gia nổi tiếng Việt Nam...

- Về ngôn ngữ văn tự: có 14 bộ sách, gồm 50 quyển; giải nghĩa Luận ngữ bằng thơ Nôm.

- Về quan hệ hợp tác quốc tế: tài liệu mộc bản còn có giá trị khi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp...

Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn tại Huế. Ngoài ra, tài liệu này còn bao gồm cả những ván khắc in được tập hợp ở Văn miếu - Quốc tử giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc tử giám dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị.

Trước năm 1960, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ tại Huế. Từ năm 1960, được chuyển từ Huế về Ðà Lạt. Từ năm 1961 đến 1975, dưới chế độ cũ, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được cất giữ tại Chi nhánh Văn khố Ðà Lạt. Sau năm 1975, toàn bộ Mộc bản triều Nguyễn đã được giao về Cục Lưu trữ Nhà nước, bảo quản tại nhà thờ Dòng Chúa cứu thế và từ năm 1984 đến nay được chuyển về bảo quản tại Biệt điện Trần Lệ Xuân, nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4.

Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được bảo quản trong kho chuyên dụng hiện đại của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4

Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 đã có riêng một nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản khối tài liệu vô giá này. Bên cạnh đó, khối tài liệu này đã được phân loại, chỉnh lý khoa học, in rập ra giấy dó, hệ thống hóa, tổng hợp được 152 đầu sách thuộc ba nhóm chính: chính sử triều Nguyễn, tác phẩm văn chương và sách kinh điển của các nhà Nho dùng để dạy và học, đồng thời có cả phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng.

Tháng 7/2009, Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO chính thức đưa vào "Chương trình Ký ức thế giới" (Memory of the World Programme). Ðây là di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là "Di sản tư liệu thế giới".

Ngoài hơn 34.000 tấm Mộc bản triều Nguyễn, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 còn trưng bày một số chuyên đề khác: Lưu trữ Việt Nam từ 1962 đến nay, miền Trung - Tây Nguyên trong chiến tranh giải phóng dân tộc (1954 - 1975), Đà Lạt - Lâm Đồng: Xưa và Nay, từ biệt điện Trần Lệ Xuân đến khu trưng bày tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4… 



                                                                                           Thanh Hải biên tập
Trung tâm Thông tin du lịch