Ngày xuân, không phải trên miền quan họ, không có cây đa, bến nước, sân đình, mà là giữa rừng thông Đà Lạt, bên hồ Tuyền Lâm, những người con đến từ quê hương Kinh Bắc cũng “trẩy hội”. Các liền chị đẹp nền nã, ý nhị trong áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao; các liền anh lịch thiệp, tao nhã trong áo the, khăn xếp, ô đen. Tiếng hát đối đáp giao duyên hòa vào gió vi vút, lan trên mặt hồ khói sương.
Trẩy hội mùa xuân giữa rừng thông Đà Lạt
"Bên i í hồ Tuyền Lâm trong xanh thơ mộng/ Mây gió lộng theo điệp khúc thông ngàn/ suối reo hiền hòa, chim rừng cất tiếng líu lo/Nắng mai đầu mùa ôi đẹp bao ý thơ/ Em đẹp như bướm tung tăng vườn xuân/ Áo lụa nhè nhẹ bay/Trông dáng trúc xinh, soi bóng lung linh, tưởng đi trẩy hội/ anh đợi bên người ngoan...” (Tuyền Lâm một khúc tương phùng) do liền chị Phạm Việt Liên tức cảnh sinh tình đặt lời mới theo làn điệu “Tương phùng tương ngộ” đã mở đầu cho cuộc chơi. CLB quan họ Đà Lạt đã mời CLB quan họ Nam Ban - Lâm Hà giao lưu, tạo nên “canh hát”, một cuộc “chơi” quan họ đúng nghĩa giữa ngàn thông khi đất trời đang xuân. Làn điệu nối tiếp làn điệu: Khách đến chơi nhà, Nợ duyên, Lý cây đa, Vào chùa, Lý giao duyên, Buôn bấc buôn dầu, Còn duyên... Những câu hát thấm đẫm nghĩa tình gợi nhớ về quê hương Kinh Bắc cũng đang mùa hội hè, đình đám.
Ông Định sau hơn 50 năm xa quê, nay đã ở tuổi 75 vẫn giữ được giọng hát vang, rền, nền, nảy của liền anh một thời. Xa quê, nhớ lắm những ruộng lúa, bờ rau, triền đê, bãi sông cùng những câu hát mà quên mệt nhọc. Dời xa những gì đã thành máu thịt để đi lập nghiệp, đời sống khó khăn lo làm ăn nuôi lớn các con, ông không còn thời gian để hát. Như được gặp lại hồn quê giữa cao nguyên, gặp được hát, ông như sống lại không gian của miền quê quan họ, dù ở xa gần hai ngàn cây số, nhưng ông Định thấy quê hương đang ở rất gần. Các liền anh, liền chị đến từ CLB Nam Ban như anh Hòa, chị Ngọc, anh Nhiễu cùng hòa lời ca không dứt. Anh Vũ Đình Nhiễu tự hào: “Dân ca quan họ Bắc Ninh không còn là của riêng người quan họ, mà đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là người con Kinh Bắc chúng tôi thấy rõ trách nhiệm mình đi đến đâu, ở bất cứ nơi đâu cũng cất lên lời ca, để dân ca quan họ không ngừng được lan tỏa, làm cho nó trường tồn”.
Hát giao duyên
Hội đồng hương Kinh Bắc ở Đà Lạt có khoảng hơn 200 gia đình, hàng năm Hội gặp mặt vào đầu xuân đều không thể thiếu các tiết mục quan họ hát cho nhau nghe. Để góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của quê hương, của dân tộc, Hội đã thành lập CLB Dân ca quan họ để cùng nhau tập luyện, vừa làm phong phú đời sống tinh thần, vừa tham gia các hội diễn văn nghệ, góp các tiết mục biểu diễn quyên góp giúp đỡ người khuyết tật... CLB có 32 thành viên do ông Phạm Văn Mạnh (Đại tá quân đội, giảng viên Học viện Lục quân đã nghỉ hưu) làm chủ nhiệm. Các thành viên mỗi người một nghề, một lứa tuổi, nhưng có chung niềm yêu và say quan họ, ai cũng hát hay, hình như được sinh ra ở miền quê mà “một làn nắng cũng mang điệu dân ca” được tắm gội trong mạch nguồn văn hóa của con sông ca dao, con sông cổ tích (sông Cầu), nên giọng quan họ cứ vấn vít, dạt dào xúc cảm. Các liền chị: Việt Liên, Minh Thúy, chị Hương, Liêm, Nghiệp... bên cạnh các liền anh: Công Hoan, Tiến Văn, Bá Đề, Văn Hải...; trong đó nhiều cặp vợ chồng cùng tham gia CLB như anh chị Thúy - Hải, Mạnh - Nghiệp. Họ thuộc hết làn điệu, hát có lề lối, lớp lang. Không chỉ hát hay, trong cuộc sống hàng ngày các anh, chị đều giữ vẻ đẹp trong nết ăn, nết ở của người Kinh Bắc như chính những câu hát đượm nghĩa đượm tình. Vừa hát những bài quan họ cổ, họ còn thổi hồn vào quan họ, đặt lời mới cho các làn điệu để quan họ mang hơi thở mới của thời đại, phù hợp với cuộc sống hôm nay. Trong đó, liền chị Phạm Việt Liên là một “cây” sáng tạo với những bài quan họ mang hồn của núi, rừng và phố hoa Đà Lạt. Trong Liên hoan Dân ca và nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng lần thứ I - 2019 do Nhà Văn hóa Lao động tổ chức, bên cạnh các giải thưởng chính thức cho các tiết mục xuất sắc, tiết mục đặt lời mới cho dân ca quan họ của chị còn đoạt giải “Tiết mục tự biên tự diễn xuất sắc nhất”.
Không bó hẹp trong Hội đồng hương Kinh Bắc, CLB xác định là nơi hội tụ của tất cả những người yêu quan họ, biết hát quan họ đều có thể tham gia để không ngừng nhân lên tình yêu với dân ca quan họ. Cùng với việc giao lưu gắn kết với các CLB dân ca quan họ trong tỉnh, sắp tới CLB sẽ kết nối giao lưu với các CLB quan họ của các tỉnh, thành trong cả nước như: CLB quan họ Mười thương (TP Hồ Chí Minh), CLB quan họ của Nha Trang, Vũng Tàu, Đắk Lắk... học hỏi kinh nghiệm hoạt động, biểu diễn.
Làn điệu nối tiếp làn điệu, các liền anh, liền chị đến từ 2 CLB Đà Lạt và Nam Ban nhường nhau hát đúng điệu “khách đến nhà là hát, khách uống trà là ca, khách đi xa giữ chẳng cho về”. Không có cây đa, không bến nước sân đình, nhưng có thông, có đại ngàn, có hồ rộng thênh thang, có trời xanh thẳm. Không có nhà “chứa”, nhưng một lều bạt được dựng lên. Hết hát ngoài trời, một bữa ăn thịnh soạn do “quan họ chủ” CLB Đà Lạt mời “quan họ khách” để vừa ăn lại vừa hát. Những câu hát mời nước, mời trầu, mời rượu, mời trà, lòng vòng mãi. Gặp nhau, hát với nhau mà nên nghĩa, sâu lắng, nặng tình. Những phép tắc lễ nghĩa, trọng bạn, lối ứng xử khiêm nhường trong mỗi câu hát thấm đẫm trong mỗi người con Kinh Bắc ở Đà Lạt. Cái tình của người quan họ qua từng câu hát khiến người ta đắm người ta say. Để rồi tiệc tàn lại dùng dằng câu giã bạn khi “quan họ nghỉ chúng em ra về”, lưu luyến mãi không muốn rời khi các liền anh, liền chị đến từ CLB quan họ Nam Ban phải về. Để rồi bịn rịn “người về em chẳng cho về, em túm vạt áo em đề câu thơ”, cùng hẹn sẽ về với Nam Ban “đến hẹn lại lên” cùng nhau hát câu tương phùng tương ngộ tiếp tục làm nên một cuộc chơi quan họ mới ở cao nguyên.
Quỳnh Uyển