Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Vừa qua, đề án “Phát huy giá trị di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” sau khi lấy ý kiến chuyên gia, được bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh sẽ đưa vào khai thác trong thời gian gần nhất.
Các chuyên gia đi khảo sát để xây dựng tour nhằm sớm đưa vào khai thác.
Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, trên địa bàn hiện còn khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Trong đó, có bốn di tích được xếp hạng là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt và năm di tích, địa điểm di tích xếp hạng cấp tỉnh. Bên cạnh hệ thống di tích còn có Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế hiện là nơi trưng bày hơn 1.000 tư liệu, hiện vật liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc bảo tàng cho biết, với tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”, bảo tàng đã có những định hướng bước đầu về các nội dung tour, tuyến tham quan các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn. Theo đó sẽ kết hợp tour, tuyến thăm khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích cách mạng, quần thể di tích cố đô và danh lam thắng cảnh; tour du lịch kết hợp hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ với sản phẩm du lịch địa phương.
Di tích nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để xây dựng tuyến tham quan hoàn chỉnh, bảo tàng đã mời các chuyên gia tư vấn, các đơn vị tổ chức du lịch khảo sát thực tế chín di tích thuộc hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số điểm tham quan lân cận như Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các địa chỉ văn hóa, làng nghề. Theo Ths Hồ Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế, ý tưởng của tour rất có ý nghĩa và giá trị lịch sử, mang tinh thần trân trọng quá khứ, bảo tồn hiện tại và phát triển tương lai. Bà Nga lưu ý, cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên khi xây dựng tour để có hướng tập trung phù hợp. Nên khảo sát nhu cầu tham quan của khách để tổ chức tour với mốc thời gian là một hoặc nửa ngày. Ngoài ra, cần nghiên cứu xem lộ trình đã phù hợp chưa để bảo đảm tính kết nối hợp lý giữa các điểm tham quan.
Đồng quan điểm, TS Trần Thị Mai, nguyên Hiệu trưởng nhà trường cũng đưa ra một số gợi ý để tour du lịch sớm được triển khai. Theo bà Mai, cần nhận diện đúng thị trường để có các cách thức thu hút khách phù hợp. Nên tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác sưu tầm và kết nối thông tin, kỹ thuật diễn giải, quảng bá thu hút khách và đào tạo nhân lực. Không dừng lại đó, cần ứng dụng công nghệ số, bảo tàng “ảo”, kỹ thuật 3D đi đôi với đổi mới nội dung giới thiệu, tăng cường trang thiết bị, nâng cao tính hấp dẫn của thông tin, sản phẩm trưng bày để tăng sự trải nghiệm cho du khách bằng nhiều cách thức khác nhau.
Nhiều chuyên gia, đơn vị tổ chức du lịch đều cho rằng, thiết kế tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” là cần thiết và nên triển khai trong thời gian sớm nhất.
Bài và ảnh: Minh An