Thấm đượm và tỏa sáng di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cập nhật: 13/12/2022
Nội dung cuốn sách được chia thành hai phần chính. Phần một, Di sản Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế - lan tỏa giá trị đạo đức nhân văn. Phần hai, Sáng ngời tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chi Minh. Cách bố cục hợp lý, vừa chặt chẽ ở góc độ khoa học, vừa thuận tiện cho người đọc khi cần tham khảo.

Nhà lưu niệm Bác Hồ (số 112, đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, TP. Huế) là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ 1 từ 1895 - 1901. Ảnh: D. Trương

Tác giả đã có hơn 10 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, 15 năm giảng dạy, nghiên cứu lịch sử ở trường đại học và hiện nay là Biên tập viên Nhà xuất bản Thuận Hóa, nên có điều kiện trực tiếp nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu, thông tin và hiện vật quý hiếm về Bác, gặp gỡ nhân chứng, lần theo những mối quan hệ tin cậy… Để từ đó góp phần vào việc định hướng nghiên cứu, đóng góp vào những dự án tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh… Đó là điều may mắn và lợi thế của tác giả khi nghiên cứu về Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Huế.

Nội dung các bài viết ở phần một: Di sản Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế - lan tỏa giá trị đạo đức nhân văn đã nói lên điều đó. Với cách tiếp cận đa chiều trong nghiên cứu, đối chiếu tư liệu, kiểm chứng thực địa, tìm ra những điểm tương đồng…, tác giả đã “thổi cảm hứng văn học vào nghiên cứu lịch sử”, tạo sự hấp dẫn nhất định đối với người đọc, mà không làm mất đi tính chân thật của lịch sử. Có thể xem đây là nét riêng trong cách viết của tác giả, cần được định hình và phát huy.

Các bài viết của tác giả ở phần này đã làm rõ hơn những dấu mốc và sự kiện nổi bật về những năm tháng Bác Hồ và gia đình Người ở Huế, đặc biệt tác giả đi sâu phân tích, đối sánh về môi trường xã hội Huế, những vấn đề lịch sử - văn hóa Huế những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20…, chính là những nhân tố quan trọng, tác động tích cực đến nhận thức của Bác Hồ thời tuổi trẻ, góp phần hình thành tư tưởng, đạo đức nhân văn, lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, để từ đó, Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân...

Ở phần hai, Sáng ngời tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tác giả tiếp cận vấn đề ở tầm rộng hơn, đề cập đến những nội dung lớn thuộc di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến - lập pháp; về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam; về đại đoàn kết dân tộc; về văn hóa; về quá trình dân chủ hóa xã hội theo tư tưởng của Người đã đặt ra… Những nội dung này góp phần khẳng định và tỏa sáng những giá trị mang tính lý luận và thực tiễn của di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhận thức và hành động đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế… Đặc biệt, càng có ý nghĩa lớn đối với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Cuốn sách có dung lượng vừa phải (300 trang), với nhiều luận giải khách quan, khoa học, đong đầy tâm huyết và công phu của tác giả, đã góp thêm những góc nhìn, nhận thức mới trong nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh (nhất là những năm tháng tuổi trẻ của Người cùng gia đình ở Huế). Đó còn là chuyên khảo quan trọng, giúp cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên tham khảo, phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang diễn ra sâu rộng trên quê hương Thừa Thiên Huế - nơi thấm đượm và tỏa sáng di sản Hồ Chí Minh.

Lê Viết Xuân

 

Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Ngày đăng 10/12/2022