Nơi này, mỗi lần trở lại, chúng tôi lại sống dậy trong cảm xúc hướng về ký ức cùng những con người một thời từng vượt qua đạn bom giữa chiến khu D. Ðó là câu chuyện rừng núi nghĩa tình, chuyện đồng bào kiên trung một lòng theo cách mạng. Ðó là huyện Cát Tiên, một huyện xa trung tâm nhất của tỉnh Lâm Ðồng, nơi mà gần bốn mươi năm trước được mệnh danh là "thành phố tắc kè"…
Ðồng bào các dân tộc ở huyện Cát Tiên (Lâm Ðồng) trong ngày hội văn hóa cồng chiêng.
Cát Tiên là vùng đất nổi tiếng. Sự nổi tiếng này bắt nguồn từ những năm tháng hào hùng trong kháng chiến khi đây là một địa chỉ đỏ thuộc chiến khu D. Sự nổi tiếng này cũng được ghi nhận vì trên địa bàn huyện có Vườn quốc gia Cát Tiên, từng là không gian sống của loài tê giác và bây giờ là những đàn bò tót hàng trăm con cùng những con cá sấu trườn lên trảng cỏ mỗi ngày. Men theo nền phù sa cổ của dòng Ðồng Nai, Cát Tiên còn là địa chỉ ghi dấu một di tích khảo cổ học mà gần bốn thập niên sau ngày phát hiện, với nhiều cuộc khai quật và sự tham gia nghiên cứu của rất nhiều học giả trong nước và ngoài nước mà vẫn chưa thể giải mã hết những bí ẩn.
Lịch sử và trầm tích vùng đất cổ này là một câu chuyện dài. Chuyện mới được bắt đầu từ hơn 37 năm trước, khi vùng đầm lầy, rừng rậm nguyên sinh này bắt đầu hình thành "bộ khung" huyện mới của tỉnh Lâm Ðồng. Lúc đó, từ thị trấn Ðạ Tẻh vào là con đường đất lầy lội vào mùa mưa và bụi mù trời những tháng nắng, chỉ có xe máy và đi bộ mới có thể vào được nơi này. "Thành phố tắc kè" chính là danh xưng mà người dân ở đây tự trào gọi quê mới của mình, sau này chính là thị trấn Ðồng Nai. Tên gọi vui từ thời thành lập huyện, nhưng phản ánh đúng sự thật. Lúc ấy, những người nhận nhiệm vụ vào vùng đất này để xây dựng huyện mới phải tự tay đốn tre rừng, xẻ gỗ, bứt mây làm lán trại, nhà ở và cả văn phòng làm việc. Thời ấy, loài tắc kè nhiều vô kể, bám đầy trên các thân cây và hầu như nhà nào cũng có vài con đến lưu trú. Tiếng kêu đêm của tắc kè lúc đầu xoáy vào nỗi buồn, nỗi nhớ, về sau nghe quen thì trở nên gần gũi, thân thiết. Bao nhiêu năm đã qua, danh xưng ấy không còn nhưng ấn tượng về loài tắc kè và tiếng kêu tha thiết trong đêm vẫn luôn trở về như nhắc nhở về những ngày gian nan lập huyện…
Tiếng tắc kè lùi về quá khứ, khi những tên làng, tên xã dần được hình thành. Những xã mới của Cát Tiên mang "tên tỉnh", "tên huyện": Ðức Phổ, Quảng Ngãi, Phù Mỹ, Phước Cát, Gia Viễn, Nam Ninh, Tiên Hoàng… đã nói lên xuất xứ của cư dân lập nghiệp tại nơi này. Họ là những người dân đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An… vào đây theo chính sách kinh tế mới của Nhà nước.
Gần bốn mươi năm đã qua, vùng đất Cát Tiên giờ đây trù phú, sung túc. Cát Tiên hôm nay là gương mặt một vùng phố thị miền rừng, một vùng nông thôn sầm uất bên triền phù sa cổ Ðồng Nai. Kỳ tích mới đã được lập trên vùng đất gian nan một thời, mà minh chứng cụ thể nhất là hạ tầng khang trang vượt bậc và đời sống người dân nơi đây khởi sắc. Ở Cát Tiên, đã xuất hiện những hộ gia đình giàu có nhờ có tư duy làm ăn, khai thác tốt tiềm năng vùng quê mới để làm kinh tế như ông Huỳnh Ngọc Hưng (quê ở Bình Ðịnh). Ông Hưng vào đây năm 1986, thấy đất đai bạt ngàn, ông chọn vùng đất ngay chân đồi lập cư. Trên đồi, ông phát hoang trỉa bắp, trồng đậu. Phía dưới thấp trũng vỡ đất gieo lúa, đào ao. Cơ ngơi của ông hiện nay có hơn 10ha đất rừng, đồi trồng cây điều, mít, xoài; trên 3ha đất trồng lúa nước, diện tích ao nuôi cá, ba ba gần 2ha; một đàn bò 15 con, đàn dê trên 100 con cùng heo, gà, vịt… Hiện nay, hằng năm gia đình ông thu được hơn 50 tấn lúa, mấy trăm triệu từ đàn dê bán, ao cá năm ít nhiều gì cũng được mấy chục triệu nữa. Một tấm gương nổi tiếng khác là cựu chiến binh, tỷ phú "chân đất" Nguyễn Văn Thịnh ở xã Phước Cát 2. Gia đình ông Thịnh làm ăn khá giả, có thể nói là một trong những hộ giàu có nhất huyện nghèo Cát Tiên với thu nhập hằng năm cả chục tỷ đồng. Nhưng điều ý nghĩa hơn là những việc mà ông Nguyễn Văn Thịnh đã làm vì cộng đồng khi hỗ trợ cho người dân trong vùng vay vốn sản xuất hàng tỷ đồng không tính lãi và làm từ thiện, đóng góp cho cộng đồng hàng trăm triệu đồng.
Về Cát Tiên hôm nay, chuyện xưa cũ và chuyện hôm nay cứ đan xen nhau. Việc làm được đã nhiều, việc chưa làm cũng còn ngổn ngang trước mắt. Câu chuyện cùng lãnh đạo huyện là những câu chuyện đầy ắp những dự định; Thí như cây lúa, hạt gạo đã xây dựng được thương hiệu nhưng phát huy tốt thương hiệu mới là điều đáng nói hơn, rồi chuyện phải đưa cá lăng sông Ðồng Nai lên bàn đặc sản trong các nhà hàng trong nước, làm sao để khách mọi miền đến khám phá, trải nghiệm những cái hay, cái lạ, cái quý của địa phương như Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu di tích Cát Tiên, hang Thoát y, Di tích Khu ủy Khu 6. Nhưng bài toán khó khăn cần có lời giải là phải hoàn thiện kết cấu hạ tầng trước khi quảng bá hình ảnh và thiết kế hành trình tiếp theo. Một điều nữa, có thể nói là quan trọng nhất, là phải bằng mọi cách giữ lấy vốn rừng. Với đồng bào S’tiêng, Mạ và các dân tộc khác ở Tây Nguyên này thì rừng là tài nguyên quý giá, là máu thịt, là quê hương, là không gian sinh tồn ngàn đời. Rừng còn là nơi chất chứa những ký ức không thể mờ phai của những năm tháng gian khổ, hào hùng trong kháng chiến vệ quốc, nơi lưu giữ vẹn nguyên tình dân nghĩa Ðảng…
Uông Thái Biểu