Ngày 28/12, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thuộc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam chính thức ra mắt, khởi động chuỗi hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam và góp phần tiến tới hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO.
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam ra mắt tại buổi lễ.
Áo dài Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời và đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng cho văn hóa, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Mặc dù chưa có văn bản pháp lý quy định chính thức, áo dài vẫn được coi như quốc phục, là trang phục tiêu biểu và quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống.
Tham dự lễ ra mắt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đánh giá cao sáng kiến thành lập câu lạc bộ của Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, cũng như tin tưởng câu lạc bộ sẽ nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của những người quan tâm đến di sản, cả trong và ngoài nước.
Ông Đỗ Văn Trụ khẳng định: “Sự ra đời của Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa hoạt động của quỹ bởi di sản áo dài là một bộ phận của di sản dân tộc. Câu lạc bộ sẽ có lộ trình, kế hoạch cụ thể và thiết thực để củng cố, lan toả tình yêu với tà áo dài Việt Nam. Từ đó, câu lạc bộ sẽ góp phần xây dựng không gian văn hóa cho áo dài, tiến tới hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO để tôn vinh quốc phục Việt Nam.”
Ban Chủ nhiệm và các thành viên đầu tiên của câu lạc bộ đến từ nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có nhiều chuyên gia về văn hóa và di sản như: nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng áo dài Thành phố Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam: “Người Việt Nam không chỉ có một di sản vật thể là chiếc áo dài, mà còn có cả những di sản phi vật thể như không gian văn hóa của áo dài, không gian nghề thủ công làm ra chiếc áo dài... Sứ mệnh của Câu lạc bộ là bảo tồn, lan toả các giá trị đó, góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Sắp tới, chúng tôi cũng huy động sự tham gia, thành lập và kết nối các câu lạc bộ áo dài của người Việt Nam tại các nước ngoài, hiện nay đã có một số câu lạc bộ thành viên ở các quốc gia như Anh, Thái Lan, Thuỵ Điển…”
Dự kiến vào tháng 3/2023, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam sẽ phối hợp các cơ quan liên quan phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc tôn vinh áo dài.
Mỹ Hạnh