Quảng Ngãi: Sôi động các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
Cập nhật: 03/01/2023
Năm 2022, các hoạt động của ngành VH-TT&DL có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực du lịch từng bước phục hồi, phát triển. Nhiều chương trình, sự kiện văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) được tổ chức với quy mô lớn tại Quảng Ngãi... đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Du lịch phục hồi

Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến ngành du lịch Quảng Ngãi gặp không ít khó khăn. Để từng bước phục hồi, phát triển, năm 2022, toàn ngành du lịch chú trọng khai thác các sản phẩm có tính bền vững, gắn với tự nhiên, phù hợp với nhu cầu của du khách và tạo sức bật cho du lịch và dịch vụ. Trong đó, ngành du lịch đã tập trung khai thác sản phẩm du lịch biển, đảo tại Lý Sơn, khu du lịch Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ), Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi); sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái tự nhiên tại các Khu du lịch Bãi Dừa, Suối khoáng nóng Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), Suối Chí (Nghĩa Hành), Thác Trắng (Minh Long); khai thác du lịch cộng đồng tại Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (TX.Đức Phổ), Bình Thành (Nghĩa Hành) và du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc Hrê tại huyện Ba Tơ...

Liên hoan tuyên truyền lưu động tỉnh năm 2022. Ảnh: Phong Ngân

Thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, trong năm 2022, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án xây dựng chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Sở VH-TT&DL đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện các đề án trên.

Bên cạnh đó, ngành VHTTDL cũng đã công bố đề án và biểu trưng du lịch Quảng Ngãi; xây dựng, chuyển giao 2 mô hình du lịch cộng đồng cho địa phương vận hành, quản lý. Đồng thời đã thẩm định và góp ý 43 dự án du lịch và quy hoạch liên quan đến phát triển du lịch. Ngoài ra, đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Huế tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ lễ tân, khánh tiết, tiếng Anh giao tiếp, kiến thức về du lịch cộng đồng... cho hơn 400 người, từng bước nâng dần chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du khách... 

Một hoạt động nổi bật của ngành VHTTDL trong năm 2022 là đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Du lịch Đức Phổ: Tiềm năng, kết nối và phát triển", qua đó mở ra những định hướng mới cho phát triển du lịch tại Di tích cấp quốc gia Văn hóa Sa Huỳnh trong thời gian đến. Cũng trong năm 2022, Quảng Ngãi đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng các hoạt động bên lề hội nghị; triển khai các hoạt động liên kết, xúc tiến du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; ký kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Bình Định- Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum - Phú Yên và Quảng Ngãi.

Sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi, ngành du lịch Quảng Ngãi đã có những tín hiệu khởi sắc. Năm 2022, Quảng Ngãi đón 650 nghìn lượt khách, tăng hơn 2 lần so với năm 2021; trong đó, khách quốc tế đạt 11 nghìn lượt, tăng hơn 3 lần so với năm trước...

Nhiều hoạt động sôi nổi

Năm 2022, Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao quy mô lớn, thu hút hàng nghìn vận động viên tham gia. Đây cũng là năm đánh dấu sự khởi sắc của phong trào TDTT tỉnh với việc đăng cai nhiều giải đấu thể thao quy mô cấp tỉnh và toàn quốc. Đồng thời, ngành VH-TT&DL đã tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII và cử 10 đội tuyển tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.

Lĩnh vực văn hóa, công tác gia đình đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Giá trị di sản văn hóa từng bước được bảo tồn và phát huy. Ngành VH-TT&DL đã tích cực bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh; tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL công nhận di tích quốc gia đối với Đền thờ Trương Định; xây dựng hồ sơ Bảo vật quốc gia - Trống đồng Đông Sơn. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 9 di tích được UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh.

Lễ hội đua ghe trên đầm An Khê (thị xã Đức Phổ). Ảnh: Phong Ngân

Những năm gần đây, Sở VHTTDL cũng đã triển khai thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành giai đoạn 1 chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong; thăm dò khảo cổ tại địa điểm nội thành Thành cổ Châu Sa, ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi). Đồng thời tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản từ những con tàu cổ” và trưng bày chuyên đề “Tinh hoa di sản từ những con tàu cổ - Bảo vật quốc gia”. Tổ chức thành công Liên hoan Cồng chiêng, đàn, hát dân ca và Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2022...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình trong năm 2022 đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong năm, toàn tỉnh có gần 89% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Có 81% thôn, tổ dân phố được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa. Trên 96% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt cơ quan văn hóa. Đối với hoạt động của ngành thư viện có nhiều đổi mới, sáng tạo, thu hút nhiều bạn đọc, tạo sự lan tỏa trong xây dựng phong trào văn hóa đọc.

Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Tiến Dũng cho hay, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh và các địa phương. Những kết quả nổi bật của năm 2022 là tiền đề để Sở VH-TT&DL thực hiện nhiệm vụ năm 2023 bằng niềm tin và khí thế mới, với  quyết tâm: “Toàn ngành VH-TT&DL nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; khắc phục hạn chế, quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến, giành nhiều thành tích mới”. Theo đó, ngành VH-TT&DL tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Cùng với đó là, tập trung phát triển sự nghiệp TDTT gắn với đời sống văn hóa - xã hội, mở rộng phong trào thể thao quần chúng, phát triển thể thao thành tích cao. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp. Toàn ngành thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hướng các hoạt động về cơ sở, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phong Ngân

 

Báo Quảng Ngãi - baoquangngai.vn - Đăng ngày 31/12/2022