Nghề đan lát của người Cơ Ho có từ bao giờ, ít ai còn tường tận. Chỉ biết rằng, những chàng trai, cô gái miền sơn cước khi đôi chân đã biết đi rừng, lên rẫy gieo hạt lúa mẹ, họ đã được ông bà, cha mẹ truyền nghề truyền thống. Trong đó, đan gùi hoa được xem là một "kỹ nghệ", đòi hỏi sự tỉ mẩn và sáng tạo.
Ông Ha Pall hướng dẫn cách cài nan tạo hoa văn trên gùi cho lớp trẻ.
Ðan lát là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, giữ vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Cơ Ho ở nam Tây Nguyên. Không có quy ước rõ ràng, nhưng trong cộng đồng dân tộc Cơ Ho, nghề đan lát thuộc về đàn ông. Sau này mới phổ biến, không phân biệt, già trẻ, gái trai, cứ vào mùa nông nhàn là đến mùa đan lát.
Nguyên liệu chính dùng trong đan lát của người Cơ Ho chủ yếu là lồ ô, nứa, dây mây, cây cóc rừng, cây pơ rô, vỏ cây pết, lá cây sơ đoă… Riêng gùi được đan bằng lồ ô, dây mây, cây sim rừng và cây đơr thuộc họ tre nứa. Ông Ha Pall, xã Tu Tra (huyện Ðơn Dương, Lâm Ðồng), năm nay đã hơn 60 mùa rẫy. Từ thuở bé, ông đã được cha trao truyền nghề đan lát. Tiếp nối mạch nguồn, ông lại truyền dạy cho con cháu, bà con trong buôn làng để giữ nghề. Ðặc biệt là đan gùi hoa, vật dụng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, dùng làm sính lễ, quà tặng và trong các dịp diễn xướng mùa hội.
Ðể có một chiếc gùi hoàn thiện phải trải qua hai mùa mưa nắng. Mùa nắng chuẩn bị nguyên liệu; mùa mưa, mùa nông nhàn là vào mùa đan và trải qua các công đoạn làm nan, cài nan, tạo hoa văn, làm vành, dây ràng, quai và đế. Tất cả đều cần đôi tay tài hoa, sự khéo léo và tỉ mẩn.
Vào khoảng tháng 6, tháng 7, khi cây lồ ô không quá non và cũng không quá già, đã đạt độ dẻo dai, đàn ông trong các buôn làng vào rừng tìm những cây mắt dài, thân thẳng mang về. Nguyên liệu để đan gùi còn cần cả dây mây, cây sim rừng hoặc cóc rừng để làm đế gùi. Lồ ô sau khi mang về phải phơi ba, bốn nắng mới bắt đầu đan được. Nhưng, để chiếc gùi bền hơn, phải trải qua khâu ngâm lồ ô dưới nước, sau đó lại phơi khô. Quá trình ấy kéo dài khoảng một tuần mới đạt chuẩn để đan. "Nếu gặp những hôm trăng sáng, người Cơ Ho sẽ không đốn lồ ô, đơr, vì vào thời điểm này, lồ ô, đơr thường bị mọt ăn", ông Ha Pall chia sẻ.
Kỹ nghệ đan gùi hoa thể hiện ở hình dáng, hoa văn và kỹ thuật đan. Chiếc gùi của người Cơ Ho thường có bốn phần, gồm miệng gùi, thân gùi, đế gùi và quai gùi. Miệng gùi được cạp bằng thanh tre già; sau đó, dùng dây mây cố định lại, tạo thành một vòng tròn cứng cáp. Thân gùi đan bằng cây đơr, hoặc lồ ô. Ðế gùi được làm bằng gỗ, tạo sự vững chãi cho chiếc gùi. Quai gùi bện bằng dây mây, to bản. Bên cạnh đó, chiếc gùi còn có thêm dây trang trí và dây dùng để níu chặt các vật dụng đựng bên trong gùi khỏi rơi ra ngoài.
Ðể đan gùi phải có đủ nan xương và nan thường. Nan xương chắc và nhỉnh hơn. Phần giữa của nan chừa to bản để đan phần đáy gùi, nan xương rất quan trọng, nó quyết định kích thước và độ cứng của gùi. Gùi được bắt đầu đan từ đáy đến móng gùi. Sau đó kết chặt đế với hai cây móng và cả phần đáy gùi. Và tiếp đó vành miệng, quai gùi, dây ràng lần lượt được tiến hành.
Tùy theo mục đích sử dụng mà người Cơ Ho đan những loại gùi khác nhau, gùi dày để đựng lúa, gùi thưa để gùi củi, gùi đế cao ở vùng làm lúa nước, rồi gùi dùng để đo lường… Trong đó, gùi hoa, gùi có nắp đòi hỏi kỹ năng cao của người đan, bởi có nhiều họa tiết nghệ thuật trang trí. Ông Ha Pall cho biết: "Giống như dệt thổ cẩm, cách tạo hoa văn, phối mầu trên gùi hoa, gùi có nắp là sự sáng tạo nghệ thuật. Ngày trước, cha ông mình thường dùng chính mầu hai mặt của lồ ô để tạo mầu, hình thành hoa văn hoặc chế mầu từ cây rừng, giờ thì dùng sơn rồi". Hoa văn trên chiếc gùi của người Cơ Ho thường là bơ-lơ-mát (hình thoi), lơh-còn-mát (dạng bông lúa), băng-cha-kiang (chữ v)…
Mặc dù không gian, môi trường văn hóa, tập tục đã có sự tiếp biến, đổi thay. Song, những nghề truyền thống đặc trưng văn hóa Tây Nguyên vẫn đang được các nghệ nhân buôn làng gìn giữ, trao truyền. Và những chiếc gùi vẫn theo người Cơ Ho lên rẫy, vào rừng, xuống suối. Chiếc gùi hoa vẫn đong đưa cùng những phụ nữ miền sơn cước trong các mùa hội, mùa cưới.
Bài và ảnh: Mai Văn Bảo