Khi câu chuyện được kể đúng cách
Cập nhật: 29/12/2023
362.699 người trực tiếp hưởng lợi, 391.090 người gián tiếp hưởng lợi là kết quả ghi nhận được từ 26 dự án liên quan đến di sản văn hóa, được thực hiện trong 5 năm tại ba tỉnh, thành phố do Hội đồng Anh tại Việt Nam tài trợ, phối kết hợp một số cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quan trọng hơn, dự án đã góp phần làm thay đổi nhận thức của những thành viên cộng đồng sở hữu di sản theo hướng tích cực.

Người dân làng gốm Bàu Trúc đã biết cách kể câu chuyện di sản của mình. Nguồn: Dự án Di sản kết nối

1. Từ năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận chính thức triển khai các hoạt động khảo sát, đánh giá để phục vụ công tác lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý về Văn hóa và Gia đình là người trực tiếp tham mưu cho công tác này. Theo ông Thành, chương trình hoạt động đó của Sở lại trùng thời gian với một số dự án kết nối cộng đồng di sản do Hội đồng Anh tài trợ, diễn ra ở làng gốm Chăm truyền thống Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Theo quan sát của cá nhân ông Thành, trước khi các dự án được triển khai, từng hộ gia đình và cá nhân nghệ nhân "mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy chia sẻ, chưa có kỹ năng về du lịch cộng đồng". Nhưng kể từ sau đó, đã có sự liên kết mạnh hơn giữa các hộ gia đình, các hợp tác xã sản xuất gốm để cùng phát triển làng nghề, bao gồm có việc cùng quảng bá, giới thiệu sản phẩm. "Theo thời gian, các chủ hộ gia đình, nghệ nhân không chỉ biết và duy trì kỹ thuật làm ra một sản phẩm theo truyền thống mà còn biết cách thuyết minh về ý nghĩa của sản phẩm, thấm nhuần hơn giá trị phi vật thể của sản phẩm truyền thống này"- ông Thành cho biết.

Ông Đàng Năng Nhiêm, người từng đảm nhiệm công việc Phó Trưởng ban Du lịch cộng đồng ở làng gốm Bàu Trúc chia sẻ thêm rằng, trước khi có các dự án từ Hội đồng Anh với sự tham vấn của nhiều chuyên gia, cán bộ chuyên môn từ Trung ương về, người dân ở làng vẫn tự mở và duy trì các lớp truyền dạy về nghề gốm, làm và chơi nhạc cụ dân gian. Tuy nhiên, cách truyền dạy không đạt hiệu quả cao do không có chuyên môn và kỹ năng phù hợp mà chỉ hoàn toàn là sự tự phát. "Từ khi có các dự án, thay đổi trước tiên trong bà con là nhận thức: từ chưa có ý thức đó là di sản để khai thác đúng cách đến biết cách kể câu chuyện di sản của chính mình, đến việc cả cộng đồng cùng phân chia công việc trong tổ chức chương trình phục vụ khách du lịch: nhóm làm gốm, nhóm thuyết minh về kỹ thuật gốm, nhóm phục vụ các món ăn của đồng bào Chăm, nhóm biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm…"-ông Nhiêm thuật lại.

2. Thí dụ nêu trên về việc tạo kết nối và làm cho di sản được thật sự sống trong đời sống cộng đồng đã gợi nhiều suy ngẫm cho những người đã và đang tham gia công tác bảo tồn di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

Trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ của cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc khuyến khích từng cộng đồng người dân ở nông thôn, miền núi chủ động quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản của chính mình là thật sự khó khăn, bởi thực tế, nhiều người, nhất là lớp thanh niên, đã chọn hướng đi làm ăn xa khỏi địa phương. Hơn nữa, để bảo vệ và truyền dạy về di sản đúng cách, nguồn kinh phí đầu tư ban đầu là không hề nhỏ. Gần một triệu bảng Anh kinh phí tài trợ trong vòng 5 năm qua của dự án Di sản kết nối tại Việt Nam là con số khiến một cán bộ chương trình này "cũng lấy làm ngạc nhiên", cho dù, nếu nhìn lại những gì mà các cá nhân và cộng đồng tham gia dự án làm được, thu được kết quả khả quan ban đầu, tương tự như ở làng gốm Bàu Trúc, thì con số ấy cũng là tương xứng.

Cho đến nay, nguồn kinh phí tài trợ cho các dự án di sản cộng đồng ở làng gốm Bàu Trúc và ở nhiều cộng đồng khác tham gia dự án Di sản kết nối không còn nữa, nhưng nhờ việc tiếp cận từ dự án, bà con đã nâng cao nhận thức về di sản của cha ông, chủ động sáng tạo nhiều cách đưa di sản thích ứng với nhịp chuyển của đời sống xã hội.

Từ thực tiễn triển khai dự án Di sản kết nối với tài trợ của Hội đồng Anh Việt Nam, có thể thấy rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại các địa phương, và cả ở cấp quốc gia, là rất cần thiết, nhằm huy động các nguồn lực từ tài chính đến chuyên môn, để chung tay cùng cộng đồng bảo vệ những giá trị văn hóa đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi thời gian và chính con người.

Ngân Hà

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 22/12/2023