Không chỉ bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa bản địa trong cộng đồng các tộc người, mà còn góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa ấy trong đời sống hiện đại, nhất là phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng - đó là mong muốn của đồng bào Tày ở điểm du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Chuyên gia tư vấn hướng dẫn cách nhuộm màu nan tre cho đồng bào Tày ở Nghĩa Đô - Ảnh: Lê Thanh Cường
Trung tuần tháng 12/2023, chúng tôi về Nghĩa Đô đúng vào dịp nơi đây đang diễn ra buổi học nhuộm màu nan tre dùng trong đan lát từ các loại cây lá có sẵn của địa phương. Với sự hướng dẫn của chuyên gia tư vấn văn hóa du lịch, bà con đồng bào Tày ở Nghĩa Đô từ các cô, các chị đam mê nghề đan lát đến các cháu học sinh đều chăm chú và hào hứng thực hành theo hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”... Chỉ trong một buổi sáng, mọi người được nhận biết về cây nhuộm màu, cách phối các loại cây lá vào để tạo ra nhiều màu khác nhau, cũng như kỹ thuật làm sao nhuộm để nan tre khi dùng đan có màu sắc đẹp nhất.
Trước đây, kỹ thuật đan lát của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô chỉ dùng 2 màu cơ bản là màu đen và màu tre mộc, sau đó hong khói gác bếp để tạo màu và tạo độ bền cho sản phẩm đan lát. Màu mộc là để nguyên màu của lạt tre khi chẻ ra; còn nan màu đen, người Tày Nghĩa Đô dùng củ nâu giã với nhọ nồi, rồi tỉ mẩn nhuộm từng ống tre, sợi nan..., sau đó, dùng cải thành hoa văn khi đan. Thế nhưng, để nâng tầm giá trị văn hóa bản địa, bà con nơi đây đã tạo ra nhiều màu sắc mới, cùng với sự sáng tạo mẫu mã trong thiết kế sản phẩm đan lát truyền thống, tạo ra những dòng sản phẩm mang tính ứng dụng phổ rộng trong đời sống.
Bà Ma Thị Tắt, một người đam mê đan lát khi tham gia buổi học nhuộm màu nan tre đã rất thích thú chia sẻ: Tôi thực sự bất ngờ và thấy vui khi mình biết thêm kỹ thuật tạo màu mới mà không phải đâu xa, toàn những cây lá trong vườn nhà mình có sẵn. Học được cách nhuộm nan rồi, tôi sẽ chăm chỉ đan hơn và sáng tạo ra các mẫu hoa văn mới, đưa vào trong các sản phẩm đan lát thủ công của mình. Rất nhiều khách du lịch khi đến Nghĩa Đô cũng như biết về sản phẩm đan lát của người Tày nơi đây đã tìm đến tôi cũng như một số gia đình vẫn duy trì nghề đan trong xã để đặt hàng.
Còn bà Nguyễn Thị San - người làm du lịch ở xã Nghĩa Đô cũng đã tích cực tham gia các buổi tập huấn hướng dẫn về mẫu mã, kỹ thuật ứng dụng trong nghề thủ công đan lát. Đặc biệt, sau khi tham gia lớp học nhuộm nan màu, nhờ sự tư vấn, hướng dẫn của chuyên gia, gia đình bà San đã mạnh dạn, tiên phong ứng dụng và sáng tạo ra những tấm phên đan hoa văn từ kỹ thuật tạo màu để trang trí không gian nhà ở, cổng và hàng rào. Không chỉ còn là chiếc giỏ, chiếc mẹt dùng đựng đồ thông thường trong gia đình người Tày nữa, mà giờ đây, sản phẩm thủ công từ nghề truyền thống đã góp thêm một sứ mệnh mới - đó là kể câu chuyện văn hóa bản địa về không gian kiến trúc “Cổng đẹp - rào xanh” cho khách du lịch khi đến Nghĩa Đô.
Không chỉ có vậy, trước đó không lâu, các gia đình làm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ở đây đã được tham gia lớp tập huấn về nâng tầm giá trị văn hóa ẩm thực Tày. Vẫn là những món ăn truyền thống, cách chế biến truyền thống, chỉ khác là, dưới sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn, bà con đã biết cách bài trí một mâm cơm của đồng bào Tày không chỉ ngon mắt hơn và thực sự rất ấn tượng. Các gia đình đã biết cách định lượng sao cho phù hợp, cách sắp đặt bài trí trên mâm một cách khoa học nhưng đầy tính thẩm mỹ, rồi cả cách thưởng thức sao cho du khách cảm nhận một cách ngon nhất, đủ vị nhất về món ăn truyền thống của đồng bào Tày.
Tham gia lớp tập huấn về nâng tầm giá trị văn hóa ẩm thực, chị Hoàng Thị Thúy, chủ homestay Mè Thiều - homestay đã đoạt giải thưởng ASEAN về du lịch hào hứng chia sẻ: Được sự hướng dẫn của chuyên gia tư vấn, chúng tôi đã biết cách lựa nguyên liệu, sử dụng kiến thức khoa học hơn trong chế biến món ăn truyền thống để sắp đặt, bài trí mâm cơm phục vụ khách du lịch đủ các yếu tố dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là hấp dẫn thực khách hơn. Mặc dù đơn giản thôi, nhưng trước đây khi chưa được hướng dẫn, chúng tôi vẫn nấu nướng theo bản năng, cảm tính của bản thân, chưa có sự định hướng trong thực đơn cũng như cách kết hợp các món ăn sao cho hài hòa và hấp dẫn.
Mục đích của chương trình nâng tầm giá trị văn hóa bản địa tại điểm du lịch Nghĩa Đô nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các sản phẩm nông sản, ẩm thực, nghề truyền thống và dân ca, dân vũ, tạo sinh kế cho một bộ phận cư dân bản địa. Định hướng về sự tinh tế trong từng sản phẩm bản địa, kỹ năng và ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường; để người dân có ý thức về việc nâng tầm giá trị sản phẩm bản địa; xây dựng câu chuyện văn hóa để khách du lịch trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá về đời sống tinh thần và kỹ năng sống hòa mình với thiên nhiên của người Tày ở Nghĩa Đô.
Lê Thanh Cường