Tây Ninh: Đường vào tháp cổ Bình Thạnh đã được nâng cấp
Cập nhật: 20/05/2011
Tại hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 13 (ngày 14/5/2011), cử tri ba xã cánh Tây huyện Trảng Bàng có nêu một vấn đề bức xúc: trên địa bàn xã Bình Thạnh có ngôi tháp cổ được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, hiện nay đoạn đường đi vào khu di tích này đã bị hư hỏng rất nặng, gây khó khăn cho du khách muốn đến tham quan, nhất là vào mùa mưa.

Ngay sau khi nghe ý kiến của cử tri, ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ứng cử viên ĐBQH đơn vị số 1 Tây Ninh đã cử cán bộ đi kiểm tra thực tế và có ý kiến cho nâng cấp đoạn đường từ tỉnh lộ 786 vào đến khu di tích tháp cổ (sau này sẽ có quy hoạch tổng thể cả khu di tích). Ngay sau đó, Bộ trưởng đã cho thi công làm đường vào di tích. Quy cách nâng cấp con đường là đổ đất phún, với chiều dài khoảng 200 mét, ngang 6 mét. Tuỳ theo chỗ thấp cao, mặt đường được đổ đất từ 5 tấc đến 1 mét.  

Cụ Nguyễn Văn Đước (75 tuổi) người đã chăm sóc giữ gìn tháp cổ 30 năm qua bày tỏ cảm nghĩ: chỉ vài ngày nữa con đường dẫn vào tháp sẽ mang một bộ mặt mới, ông và bà con ở quanh đây rất phấn khởi. Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng đang hướng dẫn học sinh Trường THPT Bình Thạnh chăm sóc khu di tích tháp cổ cho biết: Cứ mỗi tuần một lần, trường phân công một lớp đến đây quét rác, dọn dẹp vệ sinh cho khu di tích. Đường vào khu di tích được nâng cấp, cả thầy trò nhà trường đều rất vui mừng.  

Khu di tích đền tháp Bình Thạnh được xác định ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 8 - 9, thuộc văn hoá Óc Eo. Tháp này cùng với tháp Chót Mạt (Tân Biên) được phát hiện chính thức vào đầu thế kỷ 20, qua tài liệu báo cáo khảo cổ học của Viện Nghiên cứu khảo cổ Đông Dương. Tháp xây bằng gạch, cao 10,2 mét, có bình diện vuông 5,5m x 5,5m. Trong khu di tích, có dấu vết tồn tại của 3 tháp gạch. Hiện còn một tháp ở phía Nam đã được trùng tu phục hồi. Tháp giữa và tháp phía Bắc đã là phế tích được phát hiện qua thám sát khảo cổ năm 1994. Tháp Bình Thạnh được Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Văn hoá –Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hoá năm 1993. Cùng với tháp Chót Mạt, tháp Bình Thạnh là loại hình kiến trúc đặc trưng ở Tây Ninh và là hai kiến trúc tháp cổ còn lại cuối cùng ở Nam bộ. Hệ thống đền tháp ở Tây Ninh chứng minh nơi đây là địa bàn phát triển và nối tiếp từ văn hoá Đồng Nai đến văn minh Óc Eo cho tới khi người Việt đặt chân đến vào thế kỷ 17.  

Đền tháp Bình Thạnh lần đầu tiên được trùng tu với quy mô lớn bằng ngân sách Nhà nước do Sở Văn hoá-Thông tin (Nay là Sở Văn hoá –Thể thao và Du lịch) Tây Ninh chủ trì, Viện Khoa học công nghệ xây dựng-Bộ Xây dựng khảo sát thiết kế năm 1997 và thi công từ tháng 10/1998 đến tháng 10/1999.

Báo Tây Ninh