Lễ hội chọi trâu Phù Ninh không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội được tổ chức tại chợ Hàm Rồng (thuộc địa phận làng Cão, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) vào hai ngày chợ phiên, 5/5 và 10/10 âm lịch hàng năm. Trải qua hơn 60 năm gián đoạn, lễ hội đã được UBND huyện Phù Ninh khôi phục lại vào năm 2009 và tổ chức vào khoảng giữa tháng 2 âm lịch hàng năm.
Theo truyền thuyết, khi vua Hùng và các tướng lĩnh đi săn qua chợ Hàm Rồng thì thấy hai con hổ đang đánh nhau. Vua liền sai các tướng giết hổ mổ thịt khao quân. Từ đó, để tưởng nhớ vua Hùng và các tướng lĩnh, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ, hàng năm, cứ vào 2 ngày chợ phiên, người dân trong vùng lại tổ chức lễ hội chọi trâu. Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia thi đấu, dù thắng hay thua đều bị sát sinh để cúng tế thần linh.
Lễ hội chọi trâu Phù Ninh không những là lễ hội cổ xưa, mang đậm nét văn hóa dân gian thời đại Hùng Vương mà còn là lễ hội của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện ở tục lệ gắn biểu tượng con trâu với tục sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh cầu cho “mưa thuận, gió hoà”, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.
Để có trâu chọi đạt tiêu chuẩn thi đấu, chủ trâu phải mất khoảng 1 năm để chuẩn bị, từ việc mua trâu cho đến chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện trâu. Muốn mua được trâu tốt, chủ trâu phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nhiều năm, từ việc chọn độ tuổi, độ mở của sừng, khoáy, chỉ số vòng ngực, chiều dài, chiều cao, cho đến màu da, móng chân, lông, mắt của trâu. Hơn nữa, chủ trâu cũng phải đầu tư nhiều công sức để tìm kiếm mua trâu, có khi lặn lội lên tận Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, có khi vào tận Thanh Hóa, Nghệ An hay sang Lào... Quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện trâu cũng rất đặc biệt, khác hẳn so với trâu cày, chủ yếu nhằm giúp trâu có thể lực tốt, đồng thời khôi phục bản năng hoang dã của trâu. Trâu chọi được các chủ trâu trân trọng gọi là “ông Cầu” và cư xử như một thành viên trong gia đình.
Tương tự lễ hội chọi trâu ở một số vùng khác, lễ hội chọi trâu Phù Ninh cũng có ba vòng thi đấu: vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết. Tuy nhiên, các trận đấu ở vòng loại được tổ chức vào ngày 8/1 âm lịch, trước khi diễn ra vòng bán kết và chung kết khoảng hơn 1 tháng. Tại mỗi trận đấu, từ hai phía của sới chọi, hai “ông Cầu” được dẫn ra cùng lúc, có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai “ông Cầu” cách nhau khoảng 20m, người dắt rút "sẹo" cho các “ông Cầu” rồi nhanh chóng thoát ra ngoài sới chọi. Nhìn chung, các "kháp" đấu giữa các “ông Cầu” càng vào sâu, càng kịch tính, hấp dẫn người xem, có nhiều “kháp” đấu hay với những miếng võ hiểm, giữ sức, giành miếng tấn công liên tục, kéo dài tới hàng chục phút trước sự cổ vũ náo nhiệt của người xem. Kết thúc lễ hội, bên cạnh giải thưởng chính trao cho trâu thắng cuộc, Ban Tổ chức còn trao giải thưởng cho các trận đấu hay nhất.
Theo quan niệm của người dân địa phương, ăn thịt trâu chọi sẽ mang lại nhiều may mắn, sức khỏe tốt, do đó, không chỉ người dân địa phương mà du khách khắp nơi đều mong chờ đến ngày diễn ra lễ hội chọi trâu Phù Ninh, một phần để tìm hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Việt Nam, một phần là dịp để mua thịt trâu chọi cầu may cho mình.
Thanh Hải (TTTTDL) biên tập