Cách thị trấn huyện lỵ Mường Khương, Lào Cai 25km, Cao Sơn nằm trong cao nguyên cổ, địa hình chủ yếu là đồi núi với khí hậu trung bình từ 15-18ºC, quanh năm sương mù bao phủ. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, Tu Dí, Bố Y...
Cùng có đặc điểm khí hậu như SaPa, nhưng Cao Sơn lại mang vẻ hoang sơ, mộc mạc, chưa có nét ồn ào của du lịch chuyên nghiệp như SaPa. Đến với Cao Sơn là đến với một không gian khoáng đạt của núi rừng, những bạt ngàn sa mộc và những nương ngô mọc chen đá núi, cảm giác ngột ngạt của mùa hè biến mất, nhường chỗ cho sự bình yên, mát dịu.
Hơn 100 năm về trước, người Pháp đã đặt chân đến Cao Sơn và họ định chọn nơi đây làm khu du lịch nghỉ dưỡng cùng với Sa Pa, dấu tích còn để lại là đồi người Pháp ở La Pán Tẩn cách Cao Sơn 8 cây số. Dải đất cao nguyên này còn bảo tồn được khu rừng già với các loại cây gỗ, cây thuốc quý. Sự đa dạng sinh học cùng với sự phân bố phong phú hệ thống hang động sông suối đã tạo cho Cao Sơn một vẻ đẹp thiên nhiên say đắm.
Du khách có thể khám phá Cao Sơn bằng hai cách. Một là đi theo đường bộ từ thành phố Lào Cai đến Mường Khương rồi đi Cao Sơn. Hai là đi theo tuyến du lịch đường sông Bảo Nhai - Cốc Ly, khám phá đôi bờ sông Chảy.
Vị trí Cao Sơn được một số công ty du lịch chọn làm điểm đến khi khai thác các tua đi Bắc Hà và Sa Pa. Nó độc đáo ở cảnh sắc vùng cao, chợ phiên và sắc màu văn hoá của đồng bào các dân tộc nơi đây.
|
Chợ phiên ở Mường Khương |
Trong hành trình đến Cao Sơn, các tua du lịch thường được tổ chức vào đầu tuần vì ở thời điểm này có nhiều chợ phiên vùng cao. Nếu đi theo tuyến Bảo Nhai – Cốc Ly, tham gia chợ phiên Cốc Ly (vào thứ 3 hàng tuần). Nếu đi SaPa rồi qua Lào Cai đi Cao Sơn sẽ qua 2 phiên chợ Lùng Khấu Nhin (vào thứ 5), và chợ Cao Sơn (vào thứ 4). Phiên chợ ở Cao Sơn vẫn còn giữ nguyên bản sắc văn hoá của chợ phiên vùng cao. Đến đây, du khách được biết đến nhiều sản vật địa phương như vải rừng, đậu cô ve, rau cải mèo… Rau ở đây được gọi là “siêu sạch” bởi người vùng cao chỉ trồng rau không có thâm canh, không phun thuốc trừ sâu hay thuốc bảo quản. Ngoài ra, du khách có thể mua những đặc sản mang thương hiệu “Mường Khương” về làm quà như: lạp xường, thịt treo, đậu xị, tương ớt hay gạo Séng Cù...
|
Du khách quốc tế tham quan chợ phiên ở Mường Khương |
Đến Cao Sơn ngoài nghỉ dưỡng, ăn uống, thăm thú cảnh sắc, du khách sẽ được tham gia khám phá làng bản văn hoá. Với “tracking tour” khách du lịch sẽ được tản bộ thăm thú những bản định cư của người Mông với những nếp nhà độc đáo, tìm hiểu đời sống sinh hoạt thường ngày và những nét văn hoá riêng có của những tộc người vùng cao Mường Khương.
|
Ecolodge ở Cao Sơn |
Các du khách, đặc biệt là người nước ngoài thường rất thích thú và bị cuốn hút trước những trang phục của dân tộc Mông, Nùng, Dao… Họ hứng thú ghi vào kỷ niệm những bức ảnh, những thước phim để mang về quê hương. Du khách có thể đi bộ vào bản Ngải Phóng Chồ thăm kiến trúc độc đáo của những nếp nhà trình tường đất, những chiếc sào phơi váy Mông sặc sỡ, xoè ô, những chiếc cối xay ngô đơn sơ đậm vẻ hoang sơ... Tất cả như tô thêm vẻ đẹp riêng có của Cao Sơn.
|
Trang phục của dân tộc Mông (bản Ngải Phóng Chồ)
|
Mỹ Hạnh (TTTTDL) biên tập