Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển
Cập nhật: 28/09/2011
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông là tuyến chi viện chiến lược đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một trang sử vẻ vang mới cho dân tộc Việt Nam.

Tượng đài “Bến Tàu không số” ở thung lũng Xanh dưới chân đồi Nghinh Phong – Đồ Sơn, Hải Phòng

Trước tình hình địch đẩy mạnh chiến tranh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và ra Nghị quyết về “nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam”. Ngày 23/10/1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.

 

Gọi là "tàu không số" nhưng thật ra các tàu đều có số hiệu tại đơn vị, chỉ khi tiến hành thâm nhập vào miền Nam để tiếp tế vũ khí, đến hải phận nào thì sẽ thay biển số của nơi đó.

 

Ngày 8/4/1962, chuyến tàu đi trinh sát và mang chỉ thị của Trung ương về “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển” do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy đã đến miền Nam. Bắt đầu từ đây, xuất hiện những con tàu không số lúc ẩn lúc hiện, tiếp tế vũ khí cho miền Nam.

 

Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 chở vũ khí dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Văn Một và Bông Văn Dĩa rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), đến ngày 16/10 tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, khai thông tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển nối liền hai miền Nam-Bắc.

 

Di tích lịch sử quốc gia - Tàu không số Vũng Rô – Phú Yên

Khai thông con đường đã khó, việc giữ bí mật con đường càng khó khăn hơn, bởi phải trải qua chặng hành trình trong khu vực biển địch kiểm soát, tàu địch lùng sục gắt gao. Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng mở đường vận chuyển chi viện cho đồng bào miền Nam, các chiến sĩ hải quân đã phải dày công nghiên cứu, đấu trí, đấu sức tìm ra phương thức vận chuyển độc đáo. Từ ngày đầu bằng những phương tiện thô sơ thuyền gỗ gắn máy, trọng tải nhỏ, đi dọc theo ven biển, đã phát triển lên các đội tàu sắt, có trọng tải hàng trăm tấn, vươn rộng ra biển. Địch phong tỏa gần bờ, các chiến sĩ hải quân đi trên vùng biển xa; địch phong tỏa đường biển dài, ta đi phân đoạn, đồng thời khéo léo ngụy trang, nghi binh, bí mật thọc sâu vào bến nhanh chóng và bất ngờ, khi thời cơ đến thì tập trung toàn lực, dốc sức cho nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường. 

 

 

Công trình Khu di tích lịch sử Tàu không số Vũng Rô - dự án phục vụ kỷ niệm Phú Yên 400 năm gắn với Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011
Với 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ ban đầu  đưa từ miền Nam ra và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt trong ngày đầu thành lập, trong 14 năm thực hiện nhiệm vụ trên con đường biển mang tên Bác, lực lượng vận tải biển của hải quân đã phát triển thành một binh đoàn vận tải chiến lược trên biển, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi khắp các tỉnh ven biển miền Nam, len lỏi vào chiến trường khu 5 khốc liệt, đến tận cửa ngõ Sài Gòn vận chuyển vũ khí chi viện cho tiền tuyến đánh giặc.

 

 

14 năm ấy, những con đường, các bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, vây ráp, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách, ra đi là xác định cảm tử. Từ năm 1961 đến 1975, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, vượt qua hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, huy động được gần 2000 lượt chiếc tàu, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa, góp phần

Đài kỷ niệm những con tàu không số tại ngã ba Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre

chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa với tới được. Hành trình của những “con tàu không số" trên biển đã đến bao nhiêu bến, bãi dọc bờ biển Việt Nam, có sự đóng góp công lao to lớn của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh ven biển: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre...

 

Đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết quân dân, giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam với nhân dân các địa phương ven biển. Chiến công anh hùng của các chiến sĩ hải quân là thể hiện trình độ tác chiến chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng và các cơ quan tham mưu, chính trị, kỹ thuật, hậu cần theo một hệ thống đảm bảo, hệ thống thông tin vô tuyến điện và tín hiệu thông suốt từ Sở chỉ huy đến từng con tàu hành trình trên biển và lực lượng ở các bến bãi.

 

Nhà trưng bày Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển – Bến Vàm Lũng (Cà Mau)

Đoàn 125 Hải quân với tên gọi "Đoàn tàu không số" là lực lượng trực tiếp vận chuyển trên con đường biển mang tên Bác đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu "Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân", xây đắp nên truyền thống vẻ vang "Mưu trí dũng cảm, khắc phục khó khăn, vận tải đường biển, chi viện chiến trường, quyết chiến quyết thắng". Ngày 23/10 hằng năm trở thành ngày truyền thống mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và thành lập Lữ đoàn 125 Hải quân.

 

Ngày nay những ai có dịp đến Đồ Sơn (Hải Phòng) đều có thể thăm di tích cảng quân sự bí mật K15 đánh dấu cột mốc Hải lý đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển, với tượng đài “Bến Tàu không số” ở thung lũng Xanh dưới chân đồi Nghinh Phong. Giữa màu xanh của núi đồi Đồ Sơn trong tiếng rì rào của sóng biển, di tích K 15 là biểu tượng anh hùng ca ngợi lòng quả cảm, sẵn sàng  chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ chiến sỹ trên những con tàu không số năm xưa.

 

Tượng đài tưởng niệm Đoàn tàu không số ở Ngọc Hiển, Cà Mau.

Tại Cà Mau – đích đến của các đoàn tàu không số, tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển đã được xây dựng tại bến Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Tượng đài chính cao hơn 10m, khắc họa lại hình ảnh con tàu không số vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển phục vụ chiến trường miền Nam, với những chiến sĩ bộ đội vững chắc tay lái cập bến Vàm Lũng (Ngọc Hiển - Cà Mau). Hai bức phù điêu hai bên tượng đài chính mô phỏng hình dáng hai con tàu đang vượt sóng, với những họa tiết minh họa các hoạt động bốc xếp vũ khí xuống xuồng ba lá, chuyển đến chiến trường, có sự hỗ trợ, tiếp sức của đồng bào và tái hiện lại những trận đánh tàu giặc oanh liệt của Đoàn 125, những chiến thắng vang dội trên khắp chiến trường Nam bộ. Ngoài ra, khu tượng đài còn có nhà trưng bày truyền thống lịch sử để du khách tìm hiểu về con đường huyền thoại này.

 

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử, những bến tàu trên tuyến đường này như bến tàu không số K15 Đồ Sơn (Hải Phòng), bến tàu không số Lộc An (Bà Rịa – Vũng Tàu), bến tàu không số Vũng Rô (Phú Yên), bến Vàm Lũng (Cà Mau) đã trở thành những khu di tích lịch sử thu hút nhiều du khách và một số nơi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

 

Phương Anh (Tổng hợp)