Kỳ 3: Tham quan làng cổ, làng nghề, chợ phiên, khu vui chơi
– giải trí
Tham gia tuyến du lịch ven Hồ Tây, du khách không chỉ có cơ
hội được khám phá quần thể di tích văn hóa – lịch sử đặc sắc của Thủ đô, mà còn
có dịp tham quan, tìm hiểu nhiều địa danh nổi tiếng khác như: làng cổ Nghi Tàm,
làng hoa Nhật Tân, chợ Bưởi, công viên nước Hồ Tây…
|
Làng Nghi Tàm |
Làng Nghi Tàm là một trong ba làng cổ của phường
Quảng An, được hình thành từ năm 1138, gắn với tích Công chúa Từ Hoa, con Vua Lý
Thần Tông dời cung về làng dạy dân trồng dâu, nuôi tằm. Ban đầu, làng có tên là
trại Tầm Tang. Đến thời Trần, trại đổi tên là phường Tích Ma. Sang thời Lê,
phường Tích Ma đổi tên thành Nghi Tàm (hay còn gọi là Nghi Tầm).
Trong “Bát cảnh Hồ Tây” thì Nghi Tàm là nơi hội tụ ba cảnh
đẹp, gồm: “Bến Trúc Nghi Tàm” là một cây cầu, nơi trước kia các nhà thơ thường
ra đó vịnh thơ; “Đồng bông Nghi Tàm” tức cánh đồng hoa; và “Tiếng đàn Thành
Cung” - nơi nhà vua cất tiếng đàn vẫy gọi chim muông, hiện dấu tích vẫn còn lưu
lại trong sân chùa Kim Liên.
Nghi Tàm cũng là quê hương của Bà Huyện Thanh Quan, tác giả
của những bài thơ hoài cổ nổi tiếng. Ngày nay, ở Nghi Tàm còn một bia đá ghi
danh Bà Huyện Thanh Quan, hiện đang được lưu giữ tại một gia đình thuộc dòng
họ.
Làng Nghi Tàm còn được biết đến với nghề trồng cây cảnh nổi
tiếng vùng kinh kỳ. Những người sành chơi cây ở Hà Nội đều biết tới cây cảnh
Nghi Tàm với những loài quý hiếm như: đại lan, thanh trừng, trần mộng…
|
Hoa đào Nhật Tân khoe sắc vào dịp Tết |
Rời làng Nghi Tàm, du khách sẽ đến
làng hoa Nhật Tân nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa đào.
Tương truyền, nghề trồng hoa đào bắt đầu hình thành và phát
triển ở Nhật Tân từ Xuân Kỷ Dậu năm 1789. Lúc đó, Vua Quang Trung sau khi đại
thắng quân Thanh đã sai người đến Nhật Chiêu (Nhật Tân ngày nay) lấy một cành
đào để đưa đến Phú Xuân tặng Ngọc Hân Công chúa báo tin thắng trận. Nhật Tân
trồng rất nhiều loại hoa đào như: đào bích, đào bông tự, đào ta, đào thế… và kỹ
thuật trồng hoa thì không nơi nào theo kịp. Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, đào Nhật
Tân không chỉ khoe sắc trên khắp mọi miền đất nước, mà còn hiện diện ở các nước
láng giềng.
Không chỉ nổi tiếng với hoa đào, những năm gần đây, Nhật Tân
còn trồng rất nhiều loại hoa khác, như: hoa cúc, hoa bách nhật, hoa kim ngân,
hoa cánh bướm... Vào những ngày cuối năm, đến làng Nhật Tân, du khách sẽ cảm
nhận được không khí Tết tràn ngập khắp nơi bởi muôn hoa khoe sắc, tạo thành
những biển màu đẹp đến mê hồn. Nhiều đôi uyên ương đã chọn làng hoa Nhật Tân để
chụp cho mình một bộ ảnh cưới thật đẹp, nhằm lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ
của cuộc đời.
Quanh Hồ Tây còn tập trung các làng nghề thủ công nổi tiếng như:
nghề dệt lĩnh hoa và giấy dó Yên Thái, nghề đúc đồng Ngũ Xã... Nhiều làng vẫn còn
giữ được nghề truyền thống và nét cổ kính thể hiện ở cổng làng, đình làng, hay những
ngôi nhà cổ... mang hồn cốt của mảnh đất kinh thành ngàn năm văn hiến.
|
Những chú vịt con được đem bán ở chợ Bưởi |
Bên cạnh các làng cổ, làng nghề truyền thống, Hà Nội còn hấp
dẫn du khách bởi những phiên chợ độc đáo, lưu giữ nét xưa của mảnh đất Hà
Thành, trong đó không thể không nhắc tới
chợ
Bưởi. Đây là một trong những chợ phiên hiếm hoi còn được duy trì ở Thủ đô
Hà Nội cho đến ngày nay.
Chợ Bưởi xưa kia được định vị trên đất làng Yên Thái ở bờ
tây nam của Hồ Tây. Nằm ở nơi hợp lưu giữa hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù nên
chợ Bưởi là địa điểm thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán trên bến dưới
thuyền. Chợ Bưởi chính thức được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế
kỷ 20, nhưng những phiên chợ cổ thì tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đó.
Ngày nay, chợ vẫn họp đều đặn vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24,
29 âm lịch hàng tháng, trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám (từ ngã ba chợ Bưởi cho
đến ngã ba Văn Cao). Vào những ngày chợ phiên, người dân quanh vùng lại đổ về
chợ Bưởi để buôn bán đủ các mặt hàng. Dân vùng Tây Tựu, Cổ Nhuế, Xuân La, Xuân
Đỉnh buôn rau giống, hạt giống, công cụ nông nghiệp; dân vùng Nhật Tân, Quảng
An, Quảng Bá buôn các loại cây cảnh, hoa cảnh... Không thể thiếu trong những
phiên chợ Bưởi là những con giống được mang về từ khắp nơi như: chim, gà, vịt, chó, mèo…
|
Công viên nước Hồ Tây |
Nếu đến Thủ đô Hà Nội vào mùa hè, du khách đừng bỏ qua cơ
hội tìm kiếm cảm giác mát lạnh, sảng khoái và
những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn thú vị tại
công viên nước Hồ Tây (số 614 Lạc Long Quân). Thuộc hệ thống công
viên Hồ Tây, công viên nước có diện tích 35.560m² chia thành 5 khu vui chơi,
gồm các hạng mục: đường ống trượt với độ cao trung bình 12m, trong đó phải kể
đến hai đường trượt cao tốc lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam với độ cao
14,5m; bể tạo 6 loại sóng có độ sâu tối đa 3m dành cho những người thích cảm
giác mạnh; bể mát xa (bể sủi) có độ sâu 0,6m tạo cảm giác thư thái, dễ chịu; bể
lặn có độ sâu 3,5m dành cho những người thích mạo hiểm; bể vầy, các đường trượt
mini, các trò chơi dưới nước hay dòng sông trôi có chiều dài 450m, rộng 4,5m…
dành cho trẻ em.
Với vị thế của một công viên nước đầu tiên đạt tiêu chuẩn
quốc tế tại miền Bắc, công viên nước Hồ Tây còn là nơi tổ chức các chương trình
giao lưu văn hoá, sự kiện với sân khấu ngoài trời có mái che lớn nhất; hệ thống
hội trường trang trọng, lịch sự; hệ thống âm thanh, ánh sáng và thiết bị kỹ
thuật hiện đại.
Hồ Tây là một điểm nhấn nổi bật trong bức tranh
Hà Nội đa màu. Dạo một vòng quanh Hồ Tây, du khách không chỉ được ngoạn cảnh,
tận hưởng những làn gió trong lành, phóng khoáng mà còn được hòa mình vào không
gian cổ kính, trầm mặc của những di tích văn hóa – lịch sử, những làng cổ, làng
nghề, sôi động cùng chợ phiên hay sảng khoái cùng khu vui chơi giải trí hiện
đại… Tất cả sẽ để lại một dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách khi nhớ về Hồ Tây
- Hà Nội.
Phạm Phương (TTTTDL)