Khám phá tuyến du lịch ven Hồ Tây (phần 1)
Cập nhật: 27/02/2012
Kỳ 1: Tham quan các di tích văn hóa – lịch sửNhững ai đã một lần đến với Thủ đô ngàn năm văn hiến hẳn không thể bỏ qua dịp vãn cảnh Hồ Tây (quận Tây Hồ) – một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Nằm dọc theo tuyến đường ven hồ dài 18km là quần thể di tích văn hóa – lịch sử vô cùng đặc sắc và sống động, điển hình là: đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Tảo Sách... Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng, thư thái khi hòa mình vào không gian yên tĩnh, lắng đọng, đầy thi vị ngay giữa lòng thành phố.

                                           Đền Quán Thánh

Đền Quán Thánh
còn được gọi là Trấn Vũ Quan nằm ở góc đường Thanh Niên và phố Quán Thánh, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ – trấn hướng bắc của kinh thành Thăng Long xưa.  

Được xây dựng vào năm 1010 dưới triều Vua Lý Thái Tổ, đền Quán Thánh  bao gồm: tam quan, sân đền, nhà tiền đế, trung đế và hậu cung. Cổng ngoài của đền có bốn cột trụ với tượng bốn con phượng hoàng đấu lưng với nhau và con nghê trên đỉnh trụ. Ở hai bên cột chính là hai bức bình phong đắp nổi hình mãnh hổ hạ sơn. Phía trên bình phong là tượng đắp nổi hình cá hóa rồng. Ở các mặt trước và sau của bốn cột trụ được trang trí những cặp câu đối đỏ. Qua cổng ngoài của đền là đến tam quan có cấu tạo như một phương đình. Điều đặc biệt là phía trên cổng giữa của tam quan đắp nổi tượng thần Rahu.    

Đền Quán Thánh hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng đồng quý như: quả chuông đồng được đúc vào năm 1677, cao 1,5m, nặng 1 tấn, đặt trên gác của tam quan; bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen, cao 3,07m, nặng 4 tấn, đặt ở hậu cung; chiếc khánh đồng được đúc vào thời chúa Trịnh (thế kỷ 17 – 18) có chiều ngang 1,25m, chiều cao 1,1m. Ngoài ra, trong đền còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc trên cửa, cột, xà và hơn 60 bài thơ, hoành phi câu đối viết bằng chữ Hán.  

                         Ngọn bảo tháp 11 tầng tại chùa Trấn Quốc

Soi bóng bên mặt Hồ Tây thơ mộng là chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với lịch sử gần 1.500 năm. Chùa có từ thời Vua Lý Nam Đế (544-548) với tên gọi chùa Khai Quốc; đến đời Vua Lê Hy Tông (1680-1705), chùa được đổi tên thành chùa Trấn Quốc.  

Chùa có qui mô bề thế bao gồm ba nhà tiền đường, thiêu hương, thượng điện nối liền thành hình chữ công (I), 2 dãy hành lang, gác chuông, nhà tổ và nhà bia. Nổi bật trong quần thể kiến trúc chùa Trấn Quốc là ngọn bảo tháp 11 tầng hình lục giác, cao 15m. Mỗi tầng tháp gồm 6 ô cửa vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Trên đỉnh tháp có đài sen chín tầng cũng bằng đá quý (được gọi là Cửu phẩm liên hoa). Trong chùa hiện còn 14 tấm bia đá ghi lại nhiều tư liệu quý và mô tả đầy đủ quá trình tu tạo chùa. Ở khuôn viên chùa có cây bồ đề cành lá xum xuê, là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.      

                                     Tam quan chùa Kim Liên

Đi trên đê Yên Phụ, nhìn từ xa, du khách sẽ thấy mái chùa Kim Liên rêu phong cổ kính ẩn mình trong những vòm cây, thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An. Chùa được xây dựng vào thời Trần (1225 – 1413) trên nền cũ của cung Từ Hoa với tên gọi chùa Đống Long. Năm 1771, đời Vua Lê Cảnh Hưng, chùa được trùng tu, sửa chữa lớn và mang tên Kim Liên tự (chùa Sen Vàng). Năm 1972, đời Vua Quang Trung, chùa được xây dựng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay. Chùa thờ Phật và Công chúa Từ Hoa (nhà Lý).  

Chùa Kim Liên có bố cục đối xứng từ tam quan đến nhà Tổ. Mái chùa lợp ngói vảy cá nhiều tầng. Cổng tam quan chùa gồm 2 tầng, 8 mái bằng gỗ, khá đồ sộ với những bức chạm nổi hình hổ phù, lá và hoa sen, hình rồng cách điệu, mây vờn... Từ tam quan đi qua một khoảng sân sẽ dẫn đến ba nếp chùa nằm song song theo hình chữ “tam” (三), theo thứ tự là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.    

Tại chùa Kim Liên hiện còn lưu giữ nhiều pho tượng đẹp, mang phong cách điêu khắc thế kỷ 18-19, như: tượng Quan âm Nam Hải 42 tay, cao 1,2m đặt trên tòa sen gỗ hình lục lăng; tượng Tôn Ngộ Không bằng gỗ phủ sơn cao 1,1m; tượng Xá Lợi cao 1,5m; tượng Văn Thù… Ngoài ra, tại đây còn có một tấm bia cổ niên hiệu Thái Hòa thứ 3 (năm 1445).  

Năm 1962, chùa Kim Liên là một trong 12 di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.  

                                               Phủ Tây Hồ

Từ chùa Kim Liên, đi tiếp đường Yên Phụ, đến đường Xuân Diệu rồi rẽ trái vào bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, du khách sẽ tới phủ Tây Hồ. Phủ thờ Bà chúa Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.    

Tam quan vào phủ Tây Hồ đắp đao lửa, mái làm giả ngói ống, dưới diềm khắc 4 chữ Hán “Phong đài nguyên các” (Đài gió gác trăng). Câu đối ở hai trụ cổng nói về sự tích Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh.  

Phủ chính có quy mô kiến trúc lớn, mặt trước phủ có cửa tam quan 2 tầng, mái ghi “Tây Hồ hiển tích” (Dấu để Tây Hồ), được trang trí tỉ mỉ, công phu. Bốn cánh cửa chạm tứ quý ở phần trên, tứ linh ở phần dưới, đào thọ ở giữa. Qua cổng tam quan là phương đình gồm 2 tầng, 8 mái. Nhà tiền tế nằm sát sau phương đình.  

Phủ thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh, Hội đồng các quan, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tam Tòa Thánh Mẫu. Trong phủ có nhiều câu đối, cửa võng, long ngai, bài vị, sập thờ, các loại tàn, tán, lọng, 3 quả chuông đồng, 1 bát hương đồng, 1 bát hương đá, 10 đạo sắc phong, 50 pho tượng lớn nhỏ.  

Đến phủ Tây Hồ, du khách còn có dịp ghé thăm đền Kim Ngưu gắn với truyền thuyết về thần Trâu Vàng.  

                                       Sân trước chùa Tảo Sách


Cùng nằm trong quần thể chùa, đình, phủ, miếu nhìn ra Hồ Tây, chùa Tảo Sách (hay còn gọi là Tào Sách, Linh Sơn tự) tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân. Đây là một trong số ít những ngôi cổ tự ở Hà Nội còn giữ được vẻ cổ kính, u tịch, trang nghiêm của Phật giáo, thu hút nhiều du khách và sỹ tử đến vãn cảnh, đọc sách.

Kiến trúc chùa mang đậm phong cách dân gian với cảnh trí hài hòa, bao gồm: tam quan, gác chuông, nhà thờ Tổ, trai phòng, nhà thờ Mẫu, điện thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị và những di vật mang tính nghệ thuật cao, như: 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm); 23 bức đại tự; 2 quả chuông, trong đó một quả đúc năm Minh Mạng thứ 3 (1822); 29 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941). Đáng chú ý là bia Linh Sơn tự kỉ niệm bi kí với trán bia có hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh diềm bia có hoa văn trang trí đẹp mắt.    

Ngoài thờ Phật, chùa Tảo Sách còn là nơi sinh hoạt của hội Hoa Nghiêm, bao gồm những thiện nam, tín nữ của Nhật Tân và thập phương cùng chung thiện tâm đến đây để tu hành.

Phạm Phương (TTTTDL)