Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế có tài nguyên du lịch hết sức phong phú với dải bờ biển dài và nền văn hóa đặc sắc, nhiều cửa khẩu giáp với Lào. Đây là vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam cũng như phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông - Tây với các nước trong khu vực.
Hiện nay, các sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung Bộ tập trung khá đa dạng và phong phú du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch tham quan tìm hiểu di sản, du lịch sinh thái, khám phá hang động, du lịch tìm hiểu lịch sử - cách mạng, du lịch về nguồn... Trong thời gian qua, du lịch vùng Bắc Trung bộ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch của cả nước và kinh tế xã hội của khu vực. Theo thống kê, du lịch vùng Bắc Trung bộ năm 2011 đón 11,595 triệu lượt khách, chiếm tỷ lệ bình quân khoảng 10,02% tổng số lượng khách du lịch cả nước; tổng thu từ du lịch năm 2011 đạt 5.233,8 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng khách bình quân giai đoạn 2000-2011 đạt 18,5%/năm.
Tuy nhiên, tại Hội thảo lấy ý kiến cho Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng này đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng cho hay, trong giai đoạn phát triển mới, du lịch Bắc Trung bộ đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn mới, cần được nghiên cứu với chiến lược phát triển lâu dài theo hướng bền vững, giải quyết được những khó khăn hiện tại và sẵn sàng cho những thách thức trong tương lai, góp phần ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển du lịch.
Mục tiêu phát triển du lịch của Bắc Trung Bộ đến năm 2030 là thu hút 14 triệu lượt khách quốc tế, 17 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 3,6 tỷ USD; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong vùng, là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Để đạt mục tiêu này, đại diện các địa phương đề xuất quy hoạch tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng vùng, tránh tình trạng chồng chéo, liên kết du lịch giữa các tỉnh trong vùng và các vùng trong cả nước; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người trực tiếp tham gia hoạt động du lịch; bên cạnh đó là định hướng phát triển du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu, phát triển du lịch bền vững với chất lượng dịch vụ cao hơn; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành…