(TITC) - Yên Bái với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bản sắc văn hóa đa dạng là điều kiện cần để phát triển du lịch, trong đó du lịch cộng đồng hứa hẹn là một hướng đi mới mang lại nhiều thành quả cho ngành du lịch tỉnh. Để tạo điều kiện cho loại hình du lịch này phát triển, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, tiêu biểu là bản Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình).
Từ cảng Hương Lý (thị trấn Yên Bình), theo thuyền máy lênh đênh trên hồ Thác Bà khoảng 50 phút, du khách sẽ tới bản Ngòi Tu nằm trải rộng trên diện tích khoảng 2km².
Bản có khí hậu mang tính chất vùng hồ, mùa đông lạnh còn mùa hè thoáng mát. Địa hình khu vực này khá đặc biệt với hệ thống núi đá, núi đất, hồ, thác, sông, suối đan xen nhau, đặc biệt là dãy núi Cao Biền nằm phía đông hồ Thác Bà và núi Con Voi nằm phía tây hồ đã hình thành nên cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình vô cùng kỳ thú. Đất đai thổ nhưỡng ở đây gồm nhiều loại như: đất đỏ vàng (Feralit), đất dốc phân bổ rải rác ở các thung lũng, sông, suối và đất phù sa phân bố dọc hai bên bờ sông Chảy rất phù hợp để trồng các loại cây chè, cà phê, cao su, cọ, vầu, cây ăn quả, cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày…
Bên cạnh tiềm năng du lịch tự nhiên phong phú, bản sắc văn hóa ở Ngòi Tu cũng rất đặc sắc. Bản là nơi định cư của đồng bào các dân tộc: Dao, Cao Lan, Nùng..., trong đó chủ yếu là dân tộc Dao quần trắng với hơn 130 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng việc trồng các sản phẩm nông nghiệp như: lúa, ngô, khoai, sắn, rau, đậu, củ, quả… Các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể đặc trưng của bản được thể hiện qua các nghề thủ công truyền thống (rèn, đúc đồ trang sức; thêu, in hoa văn trên vải bằng sáp ong; làm giấy bản); những lễ hội lâu đời (lễ cấp sắc, nhảy lửa, lễ cưới); những làn điệu dân ca, dân vũ (hát giao duyên, múa kèn, múa gậy); ẩm thực (cơm lam, thịt nướng, rượu sắn, rượu gạo), các trò chơi dân gian (đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến...)… và đặc biệt là kiến trúc nhà ở.
Người Dao quần trắng ở nhà sàn ba gian được chắp nối từ các cấu kiện rời. Tuy nhiên, họ không dùng đinh để liên kết các cấu kiện mà chỉ gác lên nhau rồi tra chốt đỡ cố định. Kiểu nhà này chỉ có một cầu thang lên xuống với số bậc lẻ.
Nắm bắt được tiềm năng du lịch ở Ngòi Tu, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng nơi đây thành làng văn hóa - du lịch để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hiện nay, khu nghỉ dưỡng Lavie Vũ Linh đã đi vào hoạt động với hệ thống 6 phòng bằng đất và tre nứa, 2 căn studio duplex và một nhà sàn theo kiến trúc người Dao quần trắng. Nhờ vậy, người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch như: phòng trọ, ẩm thực, khuân vác đồ đạc, dẫn đường theo nhu cầu khám phá của du khách, hướng dẫn du khách làm các công việc nhà nông, làm những sản phẩm thổ cẩm, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ hoặc biểu diễn các loại hình văn hoá dân gian.
Đến Ngòi Tu, ngoài cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc thì cảm giác được đạp xe khám phá các bản làng gần đó hay ngồi trên thuyền nan êm ả mái chèo chiêm ngưỡng cảnh đẹp như mơ của vùng hồ Thác Bà là điều vô cùng thú vị đối với nhiều du khách. Theo số liệu thống kê, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ngòi Tu đã đón nhiều đoàn khách quốc tế, chủ yếu đến từ các nước Đức, Pháp, Ý, Thuỵ Điển, Úc. Phần lớn, khách du lịch đều hài lòng về môi trường cũng như sự hiếu khách của người dân nơi đây.
Hình thức du lịch cộng đồng ở Ngòi Tu là một hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, không những góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch mà còn giúp người dân địa phương có thêm việc làm để tăng thu nhập, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hoá truyền thống.
Thanh Hải