Trong những năm qua, thành phố Lào Cai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc, đặc biệt đã chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố Lào Cai, giai đoạn 2011 - 2015”.
Ngành văn hóa - thông tin thành phố đã hướng dẫn, đôn đốc các xã, phường phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc lồng ghép với các phong trào, như toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa... Đến nay, nhiều dân tộc vẫn giữ được bản sắc trang phục, như Xa Phó, Mông, Dao, Giáy... Phụ nữ các dân tộc vẫn giữ được nghề truyền thống dệt may, thêu thổ cẩm. Hội Phụ nữ thành phố đã định hướng và khuyến khích để phụ nữ các dân tộc giữ gìn bản sắc trang phục riêng của dân tộc mình và mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, hội... Bảo tồn văn hóa ẩm thực cũng được thành phố chú trọng, trong các lễ hội đều có khu vực dành riêng cho văn hóa ẩm thực.
Nhiều lễ hội truyền thống cũng được phát triển và bảo tồn, trong đó, Lễ hội đền Thượng tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội nằm trong Chương trình “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, là lễ hội lớn của thành phố cũng như của cả tỉnh, thu hút hàng vạn nhân dân và du khách tham dự. Phần lễ được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức dân gian truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Phần hội được tổ chức đa dạng về hình thức, đổi mới về nội dung, tạo sự sôi nổi và xã hội hóa cao. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống được tổ chức tại lễ hội cùng với các trò chơi dân gian hấp dẫn, thực sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân thành phố.
Bên cạnh đó, vào dịp đầu tháng giêng hàng năm, các lễ hội xuống đồng, lễ hội xuân cũng được duy trì tổ chức tại các xã, phường: Tả Phời, Hợp Thành, Đồng Tuyển, Vạn Hòa, Cam Đường... mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tại đền Cấm, hàng năm vào ngày Thìn tháng Bảy tổ chức Lễ cấm bang, tưởng nhớ các binh lính nhà Trần đã hy sinh bảo vệ biên giới, cùng với ý nghĩa bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Công tác quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa được quan tâm. Thành phố có 3 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia là đền Thượng, đền Mẫu, đền Cấm; 2 di tích được UBND tỉnh xếp hạng là đền Đôi Cô và chùa Cam Lộ. Ngoài ra, còn có các di tích khác, như đền Am, chùa Tân Bảo, đền Quan... Hằng năm, các di tích đều được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và một phần ngân sách Nhà nước. Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa của thành phố và UBND các xã, phường đã phối hợp tổ chức quản lý, khai thác phát huy hiệu quả các di tích, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và khách du lịch đến với Lào Cai.
Ngoài ra, văn hóa phi vật thể cũng được thành phố tiến hành kiểm kê, chọn lọc, đề xuất phương án bảo tồn. Để bảo tồn và phát huy vốn văn nghệ bản sắc các dân tộc, định kỳ 2 năm 1 lần, thành phố tổ chức Hội thi văn nghệ - thể thao các dân tộc thiểu số. Vốn dân ca, dân vũ các dân tộc được chú trọng bảo tồn cùng với các môn thể thao truyền thống (vật, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn...), các trò chơi dân gian (chơi đu, đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, bắt chạch trong chum, đi cà kheo, múa sạp...). Các tiết mục dân ca, dân vũ được khuyến khích và tổ chức biểu diễn trong các lễ hội, hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm, chương trình giao lưu văn nghệ đối ngoại với huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), các buổi hoạt động tuyên truyền văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí tại các nhà văn hóa xã, phường, nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư... Đặc biệt, thành phố đã thử nghiệm thành công và hoạt động hiệu quả 8 câu lạc bộ nghệ thuật (trong đó có 6 câu lạc bộ nghệ thuật của 6 phường, xã; Câu lạc bộ 1-10 của Hội Người cao tuổi và Câu lạc bộ Dân ca Hoa Lan). Được ví như những bảo tàng sống về bản sắc văn hóa, các câu lạc bộ nghệ thuật đã được tập huấn, bồi dưỡng về dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Chèo, hát Chầu văn và vốn dân ca một số dân tộc, một số vùng miền. Thời gian tới, thành phố sẽ thành lập thêm câu lạc bộ văn nghệ phường Bắc Cường chuyên về dân ca và hát Chèo và một số CLB văn hóa bản sắc dân tộc của các xã. Đồng thời, thành phố tiếp tục tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy thêm một số loại hình, như Cải lương, Chầu văn, hát Xoan, hát Then... cho các hội viên ở các câu lạc bộ nghệ thuật.