Giáo dục truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL
Cập nhật: 15/03/2013
(TITC) - Nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1933-15/3/2013), 82 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2013), đồng thời tôn vinh và ghi nhận sự cống hiến của mọi thế hệ những người hoạt động điện ảnh cho nền điện ảnh Việt Nam, đưa diễn viên đến gần hơn với quần chúng nhân dân, ngày 08/3/2013, tại rạp chiếu phim Ngọc Khánh (Hà Nội), Viện phim Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu giữa khán giả, Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL với đoàn làm phim Mùi cỏ cháy và xem phim.

Tham gia giao lưu với khán giả có đạo diễn NSƯT Nguyễn Hữu Mười; nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và các diễn viên trong phim Mùi cỏ cháy.  Bộ phim Mùi cỏ cháy đã nhận được nhiều giải thưởng như: Cánh diều vàng, Bông sen bạc và được đề cử là đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2013. Mới đây, bộ phim lại tiếp tục vinh danh với giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

              Đạo diễn NSƯT Nguyễn Hữu Mười, Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm

Mùi cỏ cháy là bộ phim thuộc đề tài chiến tranh cụ thể là chiến dịch Mậu Thân năm 1968, kể về 4 chàng trai là sinh viên Đại học Tổng hợp lên đường nhập ngũ trong chiến dịch. Khi đất nước giải phóng, 3 chàng trai đã hi sinh, còn duy nhất một người may mắn trở về. Bộ phim là chuỗi hồi kí của nhân vật Thành trong 81 ngày chiến đấu khốc liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Tại buổi giao lưu, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã chia sẻ những cảm xúc rất thực của mình khi viết kịch bản bộ phim Mùi cỏ cháy. 

Ý tưởng đầu tiên của kịch bản được nảy sinh khi ông đọc nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của đồng chí Nguyễn Văn Thạc ngày 01/5/2005 và sau đó, hàng loạt nhật ký thời chiến của các liệt sĩ khác như Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân, Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao… được giới thiệu đã khiến ông cảm thấy cần phải viết một kịch bản phim về một thế hệ sinh viên gác bút nghiên ra trận, đặc biệt là những đồng đội của ông, những sinh viên đại học cùng nhập ngũ ngày 6/9/1971. Sáu năm sau, kể từ ngày có ý tưởng đầu tiên, kịch bản Mùi cỏ cháy đã hoàn thành.

Những kỷ niệm không thể nào quên sau khi bộ phim được công chiếu cũng đã được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ trong buổi giao lưu này. Ông cho biết: sau buổi chiếu phim đầu tiên, cô Thảo là cháu của anh Nguyễn Văn Thạc nhắn tin cho tôi: “Cảm ơn đoàn làm phim, cảm ơn chú đã cho cháu được thấy hình ảnh chú Nguyễn Văn Thạc của tuổi 20!”. Ngoài ra, khi chiếu "Mùi cỏ cháy" ở Phú Yên, một bà má miền Nam chạy lại ôm anh diễn viên đóng vai đại đội trưởng Kiên khóc mãi. Bà bảo: Tôi có người con đi lính cộng hòa chết đến nay vẫn chưa biết ở nơi nào. Cám ơn các anh, xem cảnh các chiến sĩ đắp nấm mồ cho người lính phía bên kia, tôi bỗng tin rằng, có thể con tôi cũng được đắp một nấm mồ yên nghỉ ở đâu đó trên đất nước này.

                                           Dàn diễn viên chính của bộ phim

Mùi cỏ cháy lên án chiến tranh, chiến tranh đã làm cho cả ta và địch đều mất mát. Nếu bên này chiến tuyến, người con kêu tên mẹ trước khi ngã xuống, thì phía bên kia một người lính trẻ cũng đã nằm xuống, trong ngực áo là tấm hình người mẹ. Hình ảnh người lính Bắc Việt chôn cất người lính phía bên kia chiến tuyến tuy trong chiến trận thật là hiếm hoi, nhưng hoàn toàn không cường điệu bởi bản chất nhân văn của người Việt… 

Sau buổi giao lưu, hơn 300 khán giả và Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL đã được xem toàn bộ bộ phim Mùi cỏ cháy. Bộ phim đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ thế hệ trẻ. Sự đồng cảm với nhân vật, với hoàn cảnh lịch sử, với những sự hi sinh cao đẹp được thể hiện qua những tiếng nấc nghẹn ngào vang lên khắp khán phòng.

Qua bộ phim, mỗi một đoàn viên trong thế hệ trẻ hôm nay đã tự cảm thấy được trách nhiệm lớn lao của mình khi được sống trong hòa bình, yên ấm, tiếp tục phấn đấu học tập, làm việc, cống hiến cho đất nước ngày một giàu mạnh hơn.  

Hương Lê