Đại lễ Phật đản Huế đã tạo nên một sự kiện văn hóa đặc sắc trong công chúng kể từ khi Đại lễ này được tổ chức quy mô hoành tráng, trọng thị cùng với các kỳ Festival Huế.
Festival Nghề truyền thống Huế vừa bế mạc chưa kịp lắng lại thì không khí Phật đản đã bắt đầu. Sắc màu Phật đản ở Huế hiển hiện khi lồng đèn xuống phố. Không chỉ là sự báo hiệu từ bảy đóa sen nở bừng trên mặt nước sông Hương, mà ngay trên từng lối phố, lung linh cùng sao trời đón đợi Rằm là những cụm sen hồng hai bên đường, những chiếc đèn lồng trên cành cây cao.
Cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, Phật giáo ở Huế luôn đồng hành hoặc nói theo cách của Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPG VN) “ Phật giáo chung thuyền cùng dân tộc”. Sự gắn kết giữa đạo pháp và dân tộc như vậy, hỏi còn gì hơn. Đại lễ Phật đản 2013, PL 2557 lần này, đúng vào kỷ niệm sự kiện “Pháp nạn” 1963, cách đây tròn 50 năm, ghi lại dấu ấn phong trào đấu tranh chống chế độ kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm để bảo vệ đạo pháp và dân tộc. Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng của Phật giáo Việt Nam mà Huế là tâm điểm. Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cùng chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư và đại diện Phật tử khi đến dâng hương, hoa tại bảo tháp chư tôn đức Tăng, Ni vị pháp thiêu thân trong pháp nạn 1963 tại Cố đô Huế, đã có lời “Đây là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc của BTS không chỉ biết ơn đến những Thánh tử đạo đã hy sinh cho đạo pháp mà còn là bài học quý báu cho hậu thế noi theo”.
Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống kiên cường chống ngoại xâm. Tính cách người Huế không thích đụng chạm, oán thù, mà thường nhường nhịn theo triết lý đạo đức Phật giáo “oan ức không cần biện bạch bày tỏ, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả” và đương nhiên khi nghĩ về người khác họ cũng mong như vậy. Chính vì thế, trong cuộc đấu tranh của nhân dân Huế cùng tăng, ni, phật tử Huế chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm là vì lẽ đó. Cuộc đấu tranh này đã “chung thuyền” cùng nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước đánh đổ chính quyền Ngô Đình Diệm và sau này góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Đó cũng là sự hiến thân cao cả vì hoằng dương Phật pháp, vì hòa bình dân tộc, thống nhất đất nước.
Tuần lễ Phật đản, sự đón chào không chỉ là sự thiết trí lễ đài, trang hoàng cờ hoa, biểu ngữ, khai kinh, triển lãm, lời ca, tiếng nhạc. Đâu chỉ có những người rộn ràng tưng bừng trên các lễ đường, sân khấu, lễ đài hay náo nức tưng bừng của diễu hành thuyền hoa, xe hoa trên đường phố, trên sông Hương... Phật đản còn háo hức đợi chờ của những thân phận không may, dù chỉ là một chút “tâm Phật”. Mở đầu cho tuần lễ Phật đản Huế, công việc đầu tiên được chú trọng là việc làm từ thiện.
Ni trưởng Thích Nữ Như Minh, Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế hân hoan sau lần cùng đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà cho 1.506 bệnh nhân ở các Khoa thuộc Bệnh viện Trung ương Huế. Mỗi phần quà trị giá 150.000đ, Ni sư Như Minh cho là không lớn, cái lớn là tình nhân loại. Năm qua, hơn 18 tỷ đồng làm từ thiện của Giáo hội đã góp phần xoa dịu, xóa bớt nỗi đau, âu đó cũng là thiện nguyện với chúng sanh, dẫu con số này nhà chùa không muốn kể.
Phật đản - lễ hội của thành phố lễ hội. Điều đó đã được khẳng định qua năm mùa Phật đản Huế. Nhiều ý tưởng đã mong muốn nâng lễ hội Phật đản Huế trở thành Festival Phật đản Huế. Tuần văn hóa Phật đản là một chương trình được tổ chức rất khoa học, thu hút hàng vạn người, không chỉ có các tín đồ Phật giáo. Phật đản đã đi sâu vào lòng người như một thể hiển nhiên trong đời sống tâm linh và cả trong hiện hữu. Những ngôi chùa, những niệm phật đường mới ở những nơi này đang hiển hiện cùng với những công trình văn hóa, trường học, trạm y tế... tiếng chuông chùa diệu vợi cũng vơi bớt bao nỗi khó nhọc trong cuộc sống bươn chải thường ngày vốn có, để giữ lấy cái tâm, đạo lý sống ở đời.