Thành Nhà Hồ thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long,
Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Thành và thị trấn
Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc), tỉnh Thanh Hóa. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398
đến 1407.
Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới
triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép Vua
Trần Thuận Tông rời đô từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) về Thanh Hóa. Tháng 2
năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay nhà Trần và đặt tên nước là
Đại Ngu (1400-1407), thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Thành Nhà Hồ
trong lịch sử còn có các tên gọi khác là thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây
Nhai, Tây Giai.
Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở
Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại
Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã
công nhận thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.
Thành Nhà Hồ đã đáp ứng hai tiêu chí được quy định trong
Công ước Di sản Thế giới năm 2008. Đó là tiêu chí 2 “bày tỏ sự trao đổi quan
trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn
hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật
điêu khắc, quy hoạch thành phố hay thiết kế phong cảnh” và tiêu chí 4 “là ví dụ
nổi bật về một loại hình công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ
thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân
loại”.
Trong hồ sơ di sản thế giới, thành Nhà Hồ được mô tả là một
công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các
truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và
Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Nhờ kỹ thuật xây dựng
độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, thành Nhà
Hồ được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên hầu như còn nguyên vẹn. Đây
là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá
trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên
vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Theo các tài liệu và thư tịch cổ, cùng với việc khảo cổ,
nghiên cứu hiện trạng thì phức hợp di sản thành Nhà Hồ ngoài Thành nội, Hào
thành, La thành còn có Đàn tế Nam Giao.
Thành nội được xây dựng gần như hình vuông; có chu vi
3.508m; diện tích 142,2ha; tường thành chiều nam – bắc dài 870,5m; chiều đông –
tây dài 883,5m. Thành nội có 4 cổng, được mở ở chính giữa của bốn bức tường
thành. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá
xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá có
chiều dài trung bình 1,5m, dày 1m, nặng khoảng từ 15 đến 20 tấn. Trục chính của
thành không theo đúng hướng bắc nam, nhưng các cổng vẫn được gọi tên theo bốn
hướng chính: cổng Nam,
cổng Bắc, cổng Đông, cổng Tây (hay còn gọi là: Tiền, Hậu, Tả, Hữu). Các cổng
này được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo
hình múi bưởi, xếp khít lên nhau. Cổng Nam là cổng chính, có ba cửa: cửa
giữa rộng 5,82m, cao 5,75m; hai cửa bên rộng 5,45m, cao 5,35m. Ba cổng còn lại
chỉ có một cửa, trong đó cổng Bắc rộng 5,8m; cổng Đông rộng 5,9m, cao 5,4m; cổng
Tây rộng 5,8m, cao 5,4m. Tường thành cao trung bình từ 5 - 6m, chỗ cao nhất là
cổng Nam
cao 10m. Các nhà khoa học đã ước tính toàn bộ phần tường đá chiếm khoảng 25.000m3.
Theo các tài liệu, Thành nội có các công trình kiến trúc
như: điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực, Đông cung, Đông Thái miếu,
Tây Thái miếu… Tuy nhiên, hiện nay Thành nội chỉ còn lại một số di tích và di
vật như: phần tường thành, bốn cổng thành, dấu tích các hồ nước, đôi rồng bậc
thềm làm bằng đá với những nét điêu khắc rất tinh xảo, nền móng kiến trúc Thành
nội, đường lát đá Hoa Nhai, bi đá, đạn đá, đồ gốm sứ, khuôn viên cổng Nam và
các hiện vật có giá trị đặc trưng cho văn hóa Trần - Hồ.
Hệ thống Hào thành nằm bao quanh Thành nội và được nối thông
với sông Bưởi qua một con kênh ở góc đông nam của thành. Hào thành có bốn cầu
đá bắc vào 4 cửa của Thành nội. Ngày nay, nhiều phần của Hào thành đã bị lấp
cạn. Tuy nhiên, dấu tích của Hào thành vẫn có thể nhận thấy rất rõ ở phía bắc,
phía đông và một nửa phía nam của thành.
La thành là vòng thành ngoài cùng của thành Nhà Hồ, được xây
dựng để che chắn cho Thành nội (Hoàng thành) và nơi sinh sống của cư dân trong
thành. La thành dài khoảng 10km, được xây dựng dựa theo địa hình tự nhiên. Nhà
Hồ đã dựng La thành bằng cách cho đắp đất, trồng tre gai để nối liền các ngọn
núi Đốn Sơn (xã Vĩnh Thành), Hắc Khuyển (xã Vĩnh Long), Xuân Đài, Trác Phong,
Tiến Sỹ (xã Vĩnh Ninh), Kim Ngọ (xã Vĩnh Tiến), Kim Ngưu, Tượng Sơn (xã Vĩnh
Quang) với hai con sông là sông Bưởi và sông Mã. Hiện nay, dấu tích của La
thành thuộc địa phận làng Bèo (xã Vĩnh Long) với chiều dài 2.051,9m, cao khoảng
5m, mặt cắt dạng hình thang với bề mặt rộng 9,2m, chân thành rộng 37m đã được
khoanh vùng bảo vệ.
Đàn tế Nam Giao, hay còn gọi là đàn Nam Giao là một công
trình kiến trúc cung đình quan trọng, được xây dựng năm 1402 ở phía tây nam núi
Đốn Sơn, nằm thẳng trên đường thần đạo từ cổng Nam nhìn ra, cách thành Nhà Hồ
khoảng 2,5km về phía đông nam. Đàn Nam Giao có diện tích 43.000m². Mặt bằng
hiện tại còn lộ rõ 5 nền đất với 5 bậc cấp. Từ nền đàn cao nhất xuống nền đàn
thấp nhất chênh lệch nhau là 7,80m. Đàn Nam Giao là nơi tế trời, cầu mưa thuận
gió hoà, quốc thái dân an, vương triều trường tồn, thịnh trị. Ngoài ra, đàn còn
là nơi tế linh vị của các hoàng đế, các vì sao và nhiều vị thần khác. Tế Nam
Giao còn là lễ tạ ơn trời đất về sự hiện diện của vương triều, được coi là nghi
lễ mang tính cung đình. Lễ tế Nam Giao đầu tiên của triều Hồ được tổ chức cùng
năm xây dựng.
Tại thành Nhà Hồ, ngoài việc đắp đàn Nam Giao và cử hành lễ
tế năm Nhâm Ngọ (1402), vương triều Nhà Hồ đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử như:
lập đàn Xã Tắc năm Đinh Sửu (1397), tổ chức hai kỳ thi thái học sinh vào năm
Canh Thìn (1400) và Ất Dậu (1405). Ngoài ra, thời kỳ này còn gắn liền với những
cách tân đáng ghi nhận như cải cách thi cử, mở mang trường học, đề cao chữ Nôm,
phát hành tiền giấy.
ĐIỂM THAM
QUAN
Các điểm di tích phụ cận:
- Đền thờ nàng Bình Khương; -
Đình Đông Môn; - Nhà cổ;
- Đền Tam Tổng; -
Hồ Mỹ Đàm; - Hang
Nàng và núi An Tôn;
- Chùa Giáng; -
Đền thờ Trần Khát Chân; - Chùa Du Anh và động Hồ Công;
- Công trường Khai thác đá cổ xây dựng Thành Nhà Hồ tại
núi An Tôn.