(TITC)
- Kéo co là một thực hành văn hóa, một hình thức sinh hoạt cộng đồng đã có từ
lâu đời và phổ biến ở các nước nông nghiệp trồng lúa nước ở khu vực Đông Á và
Đông Nam Á, tiêu biểu là Hàn Quốc, Campuchia, Philippines và Việt Nam.
Đặc điểm
Kéo co
là một tập quán xã hội có tính nghi lễ với ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa,
mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hay
những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của các hoạt động nông
nghiệp. Người ta tin rằng, có thực hành và tuân thủ những luật lệ trong
nghi lễ kéo co thì mùa màng mới tươi tốt, chăn nuôi, trồng trọt mới sinh sôi nảy
nở. Vì vậy, không chỉ là một trò chơi dân gian thông thường, kéo co chứa đựng tầng
sâu văn hóa thể hiện qua những tập tục và tín ngưỡng riêng của mỗi quốc gia.
Ở Việt
Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co xuất hiện chủ yếu ở khu vực trung du Bắc bộ, đồng
bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, cái nôi
của nền văn minh lúa nước. Ngoài ra, di sản này cũng được thực hành chủ yếu bởi
cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc như người Tày, Giáy, Thái.
Kéo co thường
được tổ chức trong các lễ hội xuân, đánh dấu sự khởi đầu của một vụ mùa mới
trong nông nghiệp và thể hiện mong muốn mùa màng bội thu. Kéo co thu hút sự
tham gia của gần như tất cả các thành viên trong cộng đồng, mỗi thành viên đóng
vai trò khác nhau như người trực tiếp tham gia kéo co, trọng tài, người hướng dẫn,
người cổ vũ... Trong đó, những người lớn tuổi, đặc biệt là người am hiểu về các
nghi lễ kéo co đóng vai trò quan trọng trong việc phân công nhiệm vụ cho các
thành viên, hướng dẫn người tham gia kéo co các quy tắc của trò chơi và thực hiện
một số nghi lễ có liên quan.
Nghi lễ
và trò chơi kéo co thường được tổ chức ở sân đình. Dây kéo sử dụng trong kéo co
có thể được làm bằng song tre, dây mây, hoặc gai dầu phản ánh đặc điểm tự nhiên
và văn hóa của mỗi cộng đồng. Mỗi lần kéo co có 2 đội tham gia với số lượng người
đều nhau. Hai đội sẽ cùng nắm chắc vào dây kéo, điểm giữa của dây được đánh dấu
bằng một dải lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội
chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo được điểm đánh dấu về phía mình là đội
đó thắng cuộc.
Trong
kéo co, quá trình lựa chọn dây kéo và người chơi phải tuân theo các quy tắc, lễ
nghi cụ thể và tùy thuộc vào phong tục địa phương. Đội thắng và đội thua thường
được sắp xếp theo phong tục để thể hiện ý nghĩa tôn giáo nhất định và sự hài
hòa của thiên nhiên. Ví dụ như theo phong tục của người Tày và người Giáy, trò
chơi kéo co sẽ có sự tham gia của 2 đội chơi, 1 đội nam và 1 đội nữ. Vào những
năm chẵn, phần thắng thuộc về đội nữ để tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của
muôn loài.
Giá trị nổi bật
Kéo co là một trò chơi dân gian phổ biến, dễ
thực hiện và được mọi người ở mọi lứa tuổi, tầng lớp ưa thích. Mặc dù là một trò chơi mang
tính cạnh tranh, nhưng kéo co không đặt nặng vấn đề thắng hay thua mà quan trọng
là tinh thần đoàn kết, niềm vui và sự gắn kết cộng đồng. Kéo co hấp dẫn người
chơi, dễ tạo không khí sôi nổi, góp phần phô diễn sức mạnh và sự khéo léo của tập
thể.
Giá trị về tín ngưỡng, nghi lễ chính là yếu tố
căn cốt và lâu đời nhất của kéo co, thể hiện qua những kiêng kỵ, quy tắc từ quá
trình lựa chọn dây kéo, vật liệu kéo đến người chơi, cũng như các quy ước trong
thi kéo co. Qua đó, kéo co được thể hiện như một nghi thức thiêng mô phỏng sức
mạnh của các lực lượng thiên nhiên như mặt trời, nguồn nước, lũ lụt, khô hạn,
mây mưa.
Ở mỗi quốc gia, kéo co đều có những nét đa dạng
khác nhau, phản ánh đặc trưng riêng về bối cảnh sinh thái, lịch sử, văn hóa của
mỗi nước. Sự đa dạng này thể hiện qua hình thức, quy mô và ý nghĩa biểu tượng. Tại
Việt Nam, có nhiều hình thức, cách thức kéo co, thể hiện rõ tính đa tộc người. Ở
một số địa phương, kéo co còn gắn với thần tích về các vị thần hay các nhân vật
lịch sử của địa phương đã có công khai khẩn đất đai, chống giặc ngoại xâm, bảo
vệ cho cuộc sống ấm no, phồn thịnh của người dân.
Kéo co được truyền lại từ thế hệ này sang thế
hệ khác thông qua hình thức truyền khẩu, quan sát và thực hành trực tiếp. Những
người lớn tuổi hướng dẫn nghi lễ, các kỹ thuật, kỹ năng của kéo co cho thế hệ
trẻ với một tinh thần tự hào và đầy trách nhiệm.
Thực
hành nghi lễ và trò chơi kéo co
Các cộng
đồng tiêu biểu cho nghi lễ và trò chơi kéo co tại Việt Nam có thể kể đến người Kinh
ở thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), làng Hữu Chấp (xã Hòa
Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà
Nội), thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); người Tày ở thôn
Trung Đô (xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà), người Giáy ở thôn Tả Van Giáy (xã Tả Van,
huyện Sa Pa), người Thái ở thôn Bản Ngoãng (xã Thẩm Dương, huyện Văn Bàn) của tỉnh
Lào Cai.
Ngày 2/12/2015,
tại phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần
thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, Cộng hòa Namibia, Nghi lễ và
trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được
UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phạm Phương – Thu Giang