Ngày 5/2 (mồng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu), hàng nghìn người dân và thu khách thập phương đã nô nức đổ về Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để tham quan, vãn cảnh, dâng hương tại Lễ hội đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu 2017, với chủ đề "Ngưỡng vọng tiền nhân" - người có công mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam.
Đến dự lễ hội, có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP Huế.
Lễ hội đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu 2017 được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân - ái nữ của vua Trần Nhân Tông, người cách đây 711 năm đã dấn thân "Nước non ngàn dặm ra đi...; Mượn màu son phấn; Đền nợ Ô, Lý", hy sinh tình riêng để nên duyên với vua Chăm-Pa là Chế Mân. Chính nhờ cuộc hôn nhân này mà mối quan hệ bang giao Đại Việt – Chăm-Pa trở nên thân thiết, từ đây lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía nam thông qua việc vua nước Chăm-Pa Chế Mân dâng phần đất của hai châu Ô và châu Lý (vùng đất từ bờ nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam ngày nay) để làm vật sính lễ; góp nên vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên - Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử của đất nước.
Sau phần nghi lễ và nghi thức đánh trống khai hội; lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, địa phương, cùng người dân và du khách đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.
Năm nay, Lễ hội Đền Huyền Trân được tổ chức vào ngày giỗ của Công chúa Huyền Trân, mang đậm nét dân tộc truyền thống cung đình xưa. Nghi lễ bắt đầu bằng khởi chiêng trống và tấu nhạc theo nghi thức dân gian truyền thống Huế. Lễ hội cùng một chuỗi các hoạt động đầu Xuân mang nhiều ý nghĩa, thể hiện những giá trị văn hóa Việt và bừng lên những khát vọng cùng quyết tâm nỗ lực để xây dựng quê hương, xứ sở Thiền Kinh ngày một thăng hoa, phát triển, xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Khác với những lần tổ chức trước đây, Lễ hội đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu 2017 lần đầu tiên được Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đầy đủ hai phần lễ và hội. Bên cạnh các phần lễ chính, như: Khai hội, Lễ Tiên Thường (cáo giỗ), Lễ kỵ Công chúa Huyền Trân... năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế đã huy động các lực lượng của ngành, phối hợp các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và thể thao, tạo không khí tươi vui phấn khởi trong lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, như: Biểu diễn võ cổ truyền, chơi bài Chòi, biểu diễn vật dân tộc, đẩy gậy, trình diễn nghề dệt Zèng, chằm nón, thư pháp, trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống…
Đây là lễ hội thường niên, thu hút đông đảo các tổ chức đoàn thể, tầng lớp nhân dân, bà con tăng, ni, Phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách gần xa đến bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, tưởng nhớ vị nữ thần Anh thư thời Trần cùng các bậc tiền nhân đã cống hiến tài năng, sức lực cho sự nghiệp khai phá mở đất và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.
Đặc biệt, tại Lễ hội đền Huyền Trân 2017, không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, không xuất hiện nạn chèo kéo, ăn xin và đốt, hóa vàng mã tại lễ hội. Lễ hội cũng nhằm quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên - Huế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại Huế.
Lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành dâng dương tri ân Đức vua Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân.
Để nhân dân và du khách có điều kiện dâng hương tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Ban Tổ chức sẽ kéo dài thời gian lễ hội đến hết ngày 12/2 (16 tháng Giêng âm lịch).
Hàng nghìn nhân dân, phật tử và du khách thập phương đến dâng hương tri ân Công chúa Huyền Trân.
Công Hậu, Hầu Tỷ