Đến với Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản của thế giới
Cập nhật: 07/10/2009
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Kinh Bắc xưa. Vùng đất Kinh Bắc không chỉ nổi tiếng với những chùa chiền, miếu mạo mà còn là nơi khởi nguồn của những câu dân ca quan họ.

Nói đến Quan họ là nói đến nền văn hoá tổng thể hợp thành từ nhiều yếu tố văn hóa nghệ thuật dân gian trong một quá trình lịch sử lâu dài và trở thành một phần hồn không thể thiếu của người Kinh Bắc, thể hiện những quan niệm đẹp đẽ, trong sáng, chất phác của người dân lao động.

 

Dân ca quan họ là một nghệ thuật được hợp thành bởi nhiều yếu tố: âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội… Với một lối hát giao duyên dân dã, vừa thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa người hát vừa thể hiện phong cách tao nhã, lịch thiệp, đường hoàng của các liền anh, liền chị chơi quan họ. Với âm điệu và nội dung lời ca phong phú, dân ca quan họ là bức tranh phản ánh cuộc sống muôn mặt và là nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc.

 

Trong nền văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam, dân ca quan họ là một loại dân ca đặc sắc cả về âm nhạc và văn chương. Hát quan họ là một lối hát đòi hỏi tập luyện công phu và có tính tập thể với những lề lối, quy định bền chặt đã trở thành phong cách, được thực hiện nghiêm ngặt từ tổ chức đến hình thức diễn xướng.

 

Làng Viêm Xá (làng Diềm), xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có đền thờ vua Bà. Truyền rằng, Vua Bà chính là người đã sáng tác ra các làn điệu dân ca quan họ đầy tình tứ và quyến rũ. Nét đặc trưng, độc đáo nhất của làng Diềm chính là “nghề chơi” quan họ với nghệ thuật và phong cách hát quan họ vừa cổ xưa, vừa độc đáo, vừa phong phú, điêu luyện. Làng Diềm hiện còn duy trì được đội quan họ đông tới hàng trăm người, đủ các thế hệ liền anh liền chị. Từng bọn Quan họ, mỗi nhóm liền anh, liền chị khi gặp gỡ có thể cất giọng hát tuỳ theo nhu cầu, tâm trạng cảm xúc. Việc truyền dạy hát quan họ được quan tâm ngay trong gia đình, không phụ thuộc, hay chờ đợi việc tổ chức lớp học.

 

Nhìn chung, người vùng Kinh Bắc, từ già đến trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu quan họ. Người chơi quan họ sành điệu không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ. Người Kinh Bắc hát dân ca quan họ, chơi quan họ không những trong dịp lễ hội mà cả trong khi lao động, trong các đám giỗ chạp... Mỗi khi lễ hội mùa xuân, các làn điệu quan họ với những câu hát trữ tình làm say đắm lòng người quan họ và khách thập phương ngân lên trong không gian văn hoá quan họ. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu quan họ gắn liền với quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hóa. Cũng vì lẽ đó, sinh hoạt quan họ thường gắn liền với những sinh hoạt hội hè, ca hát, giao lưu; gắn với đời sống tình cảm, tinh thần của người lao động biết hướng tới cái đẹp.

 

Nét đặc trưng của quan họ chính là ở hình thức hát đối đáp giữa một bên liền anh và một bên liền chị trong không gian văn hoá Quan họ, cả trong quan họ truyền thống cũng như quan họ mới.

 

Quan họ truyền thống (quan họ cổ): Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ, vùng Kinh Bắc có tất cả 49 làng duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ (44 làng ở Bắc Ninh, 5 làng ở Bắc Giang) với các bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã mang nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa.

 

Lề lối của các bài hát quan họ cổ thường được hát ở nhịp độ chậm, bài bản, có nhiều tiếng đệm, lời phụ. Người hát những bài quan họ lề lối phải biết kỹ thuật hát vang, rền, nền, nảy, ngắt, rớt… Vì thế, quan họ truyền thống không cần nhạc đệm, không cần tăng âm, micro nhưng vẫn vang và người nghe dễ dàng nghe được dù là trong những lễ hội đông người. Quan họ truyền thống chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ…

 

"Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức “cái tình” của bạn hát). Các làn điệu quan họ cổ tiêu biểu: La rằng, Đường bạn Kim Loan, Cây gạo, Giã bạn, Hừ la, La hời, Tình tang, Cái ả, Lên núi, Xuống sông, Cái hờn, Gió mát trăng thanh, Tứ quý... vẫn được các liền anh, liền chị "chơi quan họ" ưa thích và hát đến ngày nay.

 

Quan họ mới: Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ" là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng, như: Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch... Từ sau năm 1954, quan họ được khai thác làn điệu, đặt lời mới thành ra ca cảnh diễn trên sâu khấu. Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Các băng đĩa CD, DVD về quan họ ngày nay đều là hình thức quan họ biểu diễn trên sân khấu.

 

Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra nhiều nơi, đến với thính giả trong nước và các quốc gia trên trên thế giới.

 

Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa... Quan họ mới cải biên các bài bản truyền thống theo hai cách: không có ý thức và có ý thức. Dù ít hay nhiều nhưng hình thức hát quan họ có nhạc đệm được coi là cách cải biên không có ý thức. Đa số các bài quan họ mới thuộc dạng cải biên. Cải biên có ý thức là những bài bản đã cải biên cả nhạc và lời của bài bản quan họ truyền thống. Hát quan họ với lời mới được nhiều người yêu thích tới mức loại cải biên không nhiều ấy đã bị tưởng nhầm là quan họ truyền thống (ví dụ bài "Người ở đừng về" được cải biên từ làn điệu "Chuông vàng gác cửa tam quan"; bài "Sông Cầu nước chảy lơ thơ" được soạn lời mới từ làn điệu truyền thống "Nhất quế nhị lan"…)

 

Lời hay ý đẹp, ngôn ngữ bình dân nhưng tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc; âm điệu phong phú, trữ tình; lối hát mượt mà với kỹ thuật nảy hạt độc đáo; phong cách lịch thiệp – tất cả làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của dân ca quan họ.

 

Dân ca Quan họ là tài sản quý của quốc gia, cần được bảo tồn, phát triển và quảng bá. Bởi vậy, ngày 25-9-2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức đệ trình hồ sơ quan họ lên Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) để xét công nhận Quan họ là Di sản văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại. Và sau 1 năm, ngày 30/9/2009, Quan họ đã được Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể long trọng công bố là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Thông tin thêm

+ Những ai yêu thích quan họ có thể tìm hiểu, chia sẻ hiểu biết và thể hiện tình cảm với bộ môn nghệ thuật dân ca truyền thống này tại địa chỉ website http://quanhobacninh.vn

 

Phương Anh (tổng hợp)