Sáng ngày (14/12), tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với UBND huyện Krông Pắk tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Hát then - đàn tính dân tộc Tày, Nùng và khai mạc lớp truyền dạy hát then, đàn tính tại thôn Thanh Xuân và Thanh Bình, xã Ea Kênh.
Hát then, đàn tính là một loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Thái thường được sử dụng trong nhiều dịp lễ hội như: lễ hội cầu mùa, mừng ngày cưới hỏi, mừng thọ, mừng tân gia. Từ năm 2019, hát then đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cấp 10 đàn tính và 10 bộ trang phục truyền thống cho câu lạc bộ.
Cộng đồng dân tộc Tày - Nùng xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, hiện có hơn 2.100 người, thường xuyên sử dụng đàn tính, hát then trong đời sống hàng ngày cùng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Việc thành lập câu lạc bộ sẽ quy tụ được nhiều người tham gia, góp phần phát huy giá trị của di sản, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tại lễ ra mắt, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã trao quyết định thành lập câu lạc bộ, cấp 10 đàn tính và 10 bộ trang phục truyền thống dân tộc Tày, Nùng cho câu lạc bộ để sử dụng trong các hoạt động giao lưu, biểu diễn và truyền dạy tại địa phương. Tổ chức khai mạc lớp truyền dạy hát then, đàn tính dành cho 30 học viên tại 2 thôn Thanh Xuân và Thanh Bình.
Bà Triệu Thị Hồng Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính – hát then xã Ea Kênh chia sẻ: "Đàn tính hát then như là một món ăn tinh thần của bà con nhân dân tại thôn Thanh Xuân, Thanh Bình; vì thôn Thanh Xuân, Thanh Bình có 98% là người Cao Bằng. Câu lạc bộ ra đời có ý nghĩa thứ nhất là giữ lại nét văn hóa của dân tộc mình, thứ hai là tham gia các lễ hội của các xã khác, khi có tổ chức lễ hội thì mình cũng đi tham gia"./.
H Xíu