Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở đoạn cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, phần lớn diện tích nằm trên địa bàn xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn (cũ), nay thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Vườn Quốc gia Xuân Sơn có diện tích trên 15.000 ha, có nhiều giá trị đặc sắc về mặt cảnh quan, môi trường, tài nguyên, động thực vật đa dạng, phong phú và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.
Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Sơn có nhiều sinh cảnh độc đáo bao gồm rừng nhiệt đới vẫn mang tính nguyên sinh, phân bố trên núi đất và núi đá vôi vùng thấp; với 7 hệ sinh thái chính: rừng trên núi đá vôi; rừng trên núi đất; trảng cỏ cây bụi, tre nứa; nông nghiệp; khu dân cư; rừng trồng và hệ sinh thái các thủy vực. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi có nhiều nét độc đáo, tuy có bị tác động nhưng vẫn giữ được dáng vẻ nguyên sinh, với diện tích khoảng 1.661ha. Nằm trên độ cao tối đa so với mặt biển là 1.386m (đỉnh núi Voi), phần lớn vùng núi đá vôi Xuân Sơn ở độ cao dưới 700m được che phủ bởi kiểu thảm thực vật rừng kín thường xanh cây lá rộng, ẩm, nhiệt đới, cấu trúc 5 tầng, trong đó tầng vượt tán gồm những cây gỗ lớn, đường kính tới hàng mét, cao tới 30-35m như: sâng, trai, nghiến… Nhiều cây quý hiếm có giá trị bảo tồn và có giá trị kinh tế cao như: lát, kim giao, chò chỉ, nghiến, củ dòm... (rừng chò chỉ ở Xuân Sơn là một trong những rừng chò chỉ đẹp và giàu nhất miền Bắc). Hệ thực vật ở đây thống kê được là 1.179 loài, 650 chi, 175 họ của 5 ngành thực vật bậc cao, chiếm 11% tổng số loài, 28% tổng số chi và 57% tổng số họ của hệ thực vật Việt Nam.
VQG Xuân Sơn có nhiều loài động vật đặc hữu được ghi nhận như: vượn đen tuyền, voọc xám, sóc bay lớn, các loài khỉ, cú lợn rừng... Nhiều loài động vật có giá trị bảo tồn cao như: hổ, hươu, nai, báo gấm, gấu ngựa, sơn dương, vượn đen... riêng sơn dương có nhiều nhất toàn quốc. Có 32 loài thực vật, 64 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Sự đa dạng của các hệ sinh thái làm nền tảng cho sự hình thành các kiểu thảm thực vật khác nhau. Kết hợp với các hệ sinh thái nêu trên đã tạo cho VQG Xuân Sơn một cảnh quan đẹp hùng vĩ và hấp dẫn. Có thể nói, đây là mẫu rừng nguyên sinh độc đáo còn lại hiếm hoi của rừng miền Bắc cũng như của Việt Nam.
Xét về đa dạng sinh học, VQG Xuân Sơn đứng hàng thứ 3, so với các vườn quốc gia trong toàn quốc.
Ngoài sức hấp dẫn của hệ động thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nằm trong quần thể vườn quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000m là: núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng chục hang động; sông suối như: suối Lấp, suối Thang; và nhiều thác nước có độ cao trên 50m, che phủ hang, hốc đá, hoà quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Trong hệ thống núi đá vôi đã phát hiện được nhiều hang động, đa dạng và độc đáo do thiên nhiên ban tặng, đó là nhiều hang động đẹp có nét hấp dẫn riêng và độc đáo như: hang Lun, hang Lạng... Tại hang Lun, hang Lạng có nhiều nhũ thạch đẹp, cao trung bình tới 10m, có nơi cao tới 20-30m, rộng trung bình khoảng 10 - 15m, các hang này còn có suối chảy qua với chiều dài trên 7.000m. Động Tiên, là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn. Ngoài ra, ở khu vực xóm Lấp, xóm Cỏi còn nhiều hang động khác nằm trong những núi đá thiên tạo, được tô điểm bởi các loài thực vật có hoa, có âm thanh dấu vết của các loài chim, thú, côn trùng... hoàn toàn tạo cảm giác khám phá mới mẻ cho khách du lịch và có ý nghĩa sinh học như: hang Dơi, hang Cửa Đất, hang Lấp, hang Ông Lão, động Thử Thần. Đặc biệt, động Thử Thần là một hang động có lối xuống nhỏ hẹp, thẳng đứng, chỉ đủ một người xuống nhưng khi vào trong rất rộng, có sức chứa hàng trăm người, trong hang có nhiều nhũ thạch đẹp lộng lẫy, có nhũ thạch cao tới 10m, khi gõ tiếng kêu vang lớn như tiếng chuông với nhiều âm thanh khác nhau, đặc biệt là các hang động này ở gần khu dân cư rất dễ tiếp cận.
Một ngày ở Xuân Sơn khí hậu thay đổi 4 mùa: buổi sáng mát mẻ, trong lành như mùa xuân; buổi trưa ấm áp như mùa hè; buổi chiều hiu hiu như mùa thu; buổi tối trời se lạnh.
Đến Xuân Sơn, du khách còn được khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Mường, người Dao, là hai dân tộc chính sống tại đây. Độc đáo với tục cạy cửa của người Dao, thưởng thức món rau sắng ngọt, thịt chua, gà chín cựa. Giống gà quý nhiều cựa này hiện đang được các cơ quan chức năng quan tâm bảo tồn nguồn gien quý.
Ở VQG Xuân Sơn còn có cá cóc được coi là đặc biệt quý hiếm. Các nhà khoa học đang nghiên cứu nhằm tìm ra hoạt chất khiến nó có khả năng liền tay, chân và liền đuôi sau một thời gian bị đứt rời. Ngoài ra, ở đây còn có chuối cô đơn, đây cũng lại là một loại cây lạ mới chỉ được phát hiện ở Hòa Bình và Khu bảo tồn Tà Cú, Bình Thuận. Chuối cô đơn (chuối không đẻ nhánh,chỉ nhân giống bằng hạt), hay còn gọi là chuối bạc hà thường sống đơn độc giữa rừng già.
VQG Xuân Sơn đang trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách, cách thủ đô Hà Nội 120km về phía Bắc, nằm gần một quần thể các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như đền Hùng, Tam Đảo, Ba Vì. Đến VQG Xuân Sơn, du khách có thể tham gia một số loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá rừng, núi, hang động, các loài động thực vật, nghiên cứu...; du lịch cộng đồng tìm hiểu nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa, có thể cùng sinh hoạt với người dân địa phương, tham gia các lễ hội truyền thống, các khâu sản xuất trong làng nghề...
Phương Anh (Tổng hợp)