Đền Đô được xây dựng trên khu đất phía đông nam hương Cổ Pháp (hương là đơn vị hành chính cổ gồm nhiều xã, làng), huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Theo sử sách ghi lại, sau khi đăng quang, vua Lý Công Uẩn đã trở lại thăm quê hương, dân làng vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010). Người dân ở đây đã dựng một ngôi nhà lớn để làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha (1028 - 1054). Năm 1030, ông đã cho tu sửa lại ngôi nhà xưa và chọn nơi đây làm nơi thờ tự vua cha và đặt tên là đền Đô. Đến nay, ngôi đền là nơi thờ tự 8 vị vua nhà Lý, bao gồm: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1010 -1028); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1127); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1176-1210) và Lý Huệ Tông (1211-1224). Do vậy, đền còn có tên là đền Lý Bát Đế.
Trải qua thời gian, đền Đô đã bị xuống cấp nhiều. Cho đến nay, ngôi đền này đã được trùng tu nhiều lần. Công trình kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu kéo dài từ năm 1989 đến 2005. Đây là quá trình từng bước khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa của ngôi đền trong lần trùng tu, mở rộng lớn vào năm 1602 dưới thời vua Lê Kính Tông.
Tổng diện tích khu đền là 31.250m², đền Đô bao gồm 21 hạng mục công trình lớn, nhỏ có kiến trúc hài hòa theo phong cách cung đình và phong cách dân gian như:
* Khu chính điện: Khu này nằm ở trung tâm đền Đô, gồm có: nhà Phương Đình, nhà Tiền tế và Cổ Pháp điện.
Phương Đình – nhà vuông: Ngôi nhà này diện tích khoảng 70m², được thiết kế theo kiểu chồng diêm 8 mái với 8 đầu đao uốn cong mềm mại.
Nhà Tiền tế: với diện tích khoảng 220m², gian giữa nhà Tiền tế có đặt tượng hai ông áo đen – cấm vệ quân triều Lý, được tạc rất sống động. Hai bên, gần cửa ra vào có đôi ngựa hồng thờ và ngựa bạch thờ làm bằng gỗ mít, đủ yên cương, áo giáp, bộ nhạc lục lạc, dây cương đồng sáng loáng. Ở phía trái có lưu giữ nội dung "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý và ở bên phải lưu giữ bài thơ “Nam quốc sơn hà” nổi tiếng của Lý Thường Kiệt.
Cổ Pháp điện: với diện tích khoảng 180m², đây là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý.
* Bức cuốn thư Chiếu dời đô: "Thiên Đô chiếu" - Chiếu dời đô, do vua Lý Thái Tổ viết vào mùa xuân năm 1010 để chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Thăng Long - Hà Nội).
Bức cuốn thư này nằm ở bên phải Tiền đường, có chiều cao 3,5m, rộng hơn 8m với bộ chữ hán gồm 214 từ (toàn văn Chiều dời đô của Lý Thái Tổ) và 3 chữ “Chiếu Dời Đô” cỡ lớn hơn được đắp nổi bằng gốm sứ Bát Tràng men xanh trên diện tích khoảng 6m². Được biết, bộ chữ này do tập thể lớp Hán Nôm Hương Nam (Hà Nội) viết và gia đình ông Phạm Xuân Hòa - người làng gốm Bát Tràng thực hiện gắn chữ lên cuốn thư.
* Nhà Chuyền Bồng: Cũng giống như Phương Đình, nhà Chuyền Bồng được thiết kế theo kiểu chồng diêm 8 mái với 8 đầu đao uốn cong mềm mại.
* Nhà Văn chỉ: nằm ở bên phải khu đền thờ Lý Bát Đế, Văn chỉ là nơi thờ hai quan văn tiêu biểu nhất của Vương triều nhà Lý: Lý Đạo Thành và Tô Hiến Thành. Nhà Văn chỉ được xây dựng năm 2002, do Bộ Quốc phòng đầu tư, thi công xây dựng.
* Nhà Võ chỉ: nằm ở bên trái khu đền thờ Lý Bát Đế, Võ chỉ là nơi thờ 3 vị quan võ tiêu biểu nhất của Vương triều nhà Lý: Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu và Lý Thường Kiệt. Nhà Võ chỉ được xây dựng năm 2005, do Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đầu tư xây dựng.
* Nhà Thủy đình nằm trên hồ bán nguyệt: với kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái với 8 đầu đao uốn cong mềm mại, Thủy đình là nơi các quan chức ngày xưa ngồi xem biểu diễn múa rối nước. Thủy đình từng được Ngân hàng Đông Dương thời Pháp thuộc chọn là hình ảnh in trên giấy bạc "Năm đồng vàng".
* Nhà bia: nằm ở phía đông đền Đô, nhà bia là nơi lưu giữ tấm bia đá cổ - “Cổ pháp điện tạo bi” (cao 190cm, rộng 103cm, dày 17cm) do Trạng Nguyên Phùng Khắc Khoan soạn năm 1605 - ghi lại sự kiện lịch sử nhà Lê xây dựng lại đền Đô và ghi công đức của các vị vua triều Lý với nội dung được trích dẫn như sau: “Dẫu thời vận đã hết, công đức Lý triều phải được duy trì để người nước Nam đời đời ghi nhớ. Dân nước Nam ghi nhớ công đức ấy phải dựng lại đền thờ cúng xuân thu tứ thời bát tiết, hưởng lộc muôn đời...”.
Ngoài ra, trong khu vực đền Đô còn có một số công trình kiến trúc khác như: nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ, nhà khách…
Đền Đô - Đền Lý Bát Đế đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cũ, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1991.
Hàng năm, để ghi nhớ công ơn và tưởng nhớ các vị vua nhà Lý, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ hội đền Đô trong 4 ngày, bắt đầu từ ngày 15 tháng 3 âm lịch với các hoạt động như: lễ rước, lễ tế, dâng hương; các trò chơi dân gian hấp dẫn như: đấu vật, thi thơ, chọi gà, cờ người, chơi đu, thi nấu cơm, thi thả chim, hát quan họ, hát chèo…
Du khách đến với đền Đô, ngoài việc được tham quan, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đặc sắc còn có thể thăm viếng các di tích lịch sử trên quê hương Đình Bảng có liên quan đến triều Lý như: chùa Kim Đài, chùa Cổ Pháp, Thọ Lăng Thiên Đức, chùa Ứng Tâm, đền Rồng, đình Đình Bảng...
Thanh Hải biên tập